Chớm Đông, “thẻo đất” xóm Chí Son, xã Nam Hòa (Đồng Hỷ) đã se lạnh. Đêm xuống, sương mù từ núi ùa về, lảng vảng đợi mặt trời lên quá con sào mới tan loãng. Tất cả những đỏng đảnh, thất thường của thời tiết lâu ngày trở nên quen thuộc, thích ứng với cư dân nơi đây.
Cụ Trần Văn Thành, gần 90 tuổi cho biết: Nhờ thích ứng với khí hậu, người dân lại quen việc làm rừng, làm chè, cấy lúa và chăn nuôi, nên dù chưa trù phú như mong ước, nhưng đời sống của người dân được ổn định, con cháu được học hành, bà con có điều kiện tham gia các hoạt động phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao, xây dựng khu dân cư tiến.
Để có thực tế, tôi đi xe máy dọc trục đường bê tông xóm, thấy hai bên đường là những ngôi nhà xây chắc chắn, mái lợp tôn xanh, đỏ. Thỉnh thoảng lại gặp một quán bán lẻ gồm các mặt hàng nhu yếu phẩm bình dân. Không chỉ đường trục chính, mà hầu hết các trục đường từ xóm dẫn lên rừng, sang đồi chè, ra ruộng sản xuất đều sạch sẽ, phong quang, không có bao bì thuốc bảo vệ thực vật vứt bỏ bừa bãi gây ô nhiễm môi trường. Về đến Nhà văn hóa xóm, đồng chí Hoàng Văn Cao, Bí thư Chi bộ cho biết: Xóm Chí Son có được diện mạo mới như hôm nay là bởi lòng dân đồng thuận, tích cực tham gia các phong trào sản xuất, xây dựng khu dân cư tiên tiến. Về hạ tầng cơ sở như: Làm đường bê tông; xây dựng nhà văn hóa; làm đường sản xuất; hệ thống mương dẫn nước nội đồng… hầu hết đã xây dựng hoàn thiện từ các năm trước đây.
Theo ông Hoàng Văn Long, Trưởng xóm: (Trong tổng số 219 hộ, chỉ có 2 hộ là người dân tộc Kinh, số hộ còn lại là người dân tộc Sán Dìu). Các dòng họ, gia đình nơi đây đã tích cực tham gia phong trào thi đua yêu nước. Đặc biệt là phong trào giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, các hộ tích cực giúp đỡ nhau về vốn vay không lấy lãi; tạo vốn cho nhau bằng cách cho ứng trước giống cây trồng, giống vật nuôi, khi có thu hoạch mới trả tiền gốc. Đặc biệt giữa chủ hộ có kinh tế khá và chủ hộ có kinh tế khó khăn, đã thường xuyên qua lại, chia sẻ với nhau cách thiết kế vườn bãi, kinh nghiệm sử dụng vốn vay hiệu quả. Người nghèo không tự ái, người có kinh tế khá không tự phụ, tất cả cùng hướng đến mục đích xây dựng gia đình, làng xóm văn minh. Năm 2020, xóm có 9 hộ thoát nghèo. Hiện, xóm còn 6 hộ nghèo đang tiếp tục được bà con chung tay giúp đỡ.
Chuyện giảm nghèo, ông Hoàng Văn Phúc (hơn 70 tuổi), một hộ có kinh tế khá ở xóm cho biết: Từ nhiều năm gần đây, bà con xóm Chí Son có câu: Giúp đỡ nhau là việc tốt. Nhưng quan trọng là giúp như thế nào để người được giúp không tự ái, vui vẻ tiếp thu lời góp ý của mọi người để vươn lên thoát nghèo.
Còn ông Trần Vinh, Trưởng Ban Công tác Mặt trận xóm tâm đắc: Phong trào đại đoàn kết toàn dân đã tập hợp được sức mạnh của mọi người, mọi nhà, tạo thành sức mạnh lớn để bài trừ một số hủ tục lạc hậu trong đời sống cộng đồng. Từ nhiều năm gần đây, việc hiếu, hỷ được người dân tổ chức văn minh. Phong trào sạch nhà, sạch đường được mọi người ủng hộ, tham gia. Nổi bật phải kể đến Câu lạc bộ Gia đình hạnh phúc, thu hút gần như 100% số hộ của xóm tham gia. Về kết quả xây dựng gia đình văn hóa, 177/219 hộ đạt tiêu chí Gia đình văn hóa.
Bà Đỗ Thị Sìn, người dân của xóm cho biết: Tham gia Câu lạc bộ, ngoài được trang bị kiến thức mới về kỹ năng sống, chúng tôi còn được gặp gỡ, trao đổi những kinh nghiệm về ứng xử trong gia đình, với bà con chòm xóm và nhiều việc khác liên quan đến đời sống hằng ngày.
Chiều muộn, không chỉ ở Chí Son tươi vui, phấn chấn, bởi tiếng gọi chau chơi bóng chuyền hơi, cầu lông... Trong Nhà văn hóa, các thành viên Câu lạc bộ hát Soọng cô đang tập văn nghệ. Ông Hoàng Văn Thuận, thành viên Câu lạc bộ hát Soọng cô nắm lấy tay tôi, bảo: Cảm thông nhé! Chúng tôi đang chuẩn bị cho chương trình “biểu diễn nghệ thuật” phục vụ bà con tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân năm 2020 vào cuối tháng 11. Hẹn anh trở lại vào hôm đó, cùng bà con Chí Son hát giao lưu, chơi thể thao và ăn bữa cơm đại đoàn kết.