Thái Nguyên đang có xấp xỉ 1,3 triệu dân. Những năm qua, để nâng cao nhận thức, thái độ, hành vi cho người dân trên địa bàn về công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), các cấp ngành chức năng của tỉnh đã đẩy mạnh công tác truyền thông dể qua đó, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch hằng năm về công tác DS-KHHGĐ.
Hiện nay, nhận thức của người dân trong tỉnh về công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình được nâng lên rõ rệt khi số cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đã tăng lên trên 60%; số trường hợp thực hiện khám sàng lọc trước sinh (từ đầu năm đến nay) là trên 19,5 nghìn/21,9 nghìn bà mẹ mang thai; nhiều cặp vợ chồng sinh con một bề là gái luôn có ý thức chăm sóc cho con cái và không có ý định sinh thêm con thứ 3 trở lên… Chị Đỗ Thị Thanh, xã Khôi Kỳ (Đại Từ) cho biết: Chúng tôi đã được công tác viên dân số tuyên truyền nhiều nội dung bổ ích về công tác dân số, nhất là việc sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại. Nhờ đó, chị em trong xã đều biết cách chăm sóc sức khỏe sinh sản cho bản thân…
Một thực tế là Thái Nguyên đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng với số người trong độ tuổi lao động (từ 15 đến 60 tuổi) hơn 817 nghìn người, chiếm 64% dân số. Do đó, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã có kế hoạch tiếp tục duy trì vững chắc mức sinh thay thế nhằm phát huy lợi thế giai đoạn cơ cấu dân số vàng, qua đó tăng cơ hội việc làm; nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đào tạo theo nhu cầu thị trường lao động...
Bà Hồ Thị Thanh Thủy, Chi cục trưởng Chi cục DS, KHHGĐ tỉnh cho hay: Để thực hiện hiệu quả mục tiêu này, chúng tôi luôn chú trọng tới công tác truyền thông, chuyển đổi hành vi về dân số cho các tầng lớp nhân dân. Theo đó, thời gian qua, Chi cục đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, phổ biến, cung cấp kiến thức, kỹ năng cho các nhóm đối tượng liên quan về các nội dung của công tác dân số trong tình hình mới, như: tham gia sàng lọc trước sinh/sàng lọc sơ sinh; giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, KHHGĐ, bạo lực gia đình, bạo lực học đường; hệ lụy của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh...
Cùng với đó, Chi cục còn đẩy mạnh tuyên truyền Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới, tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân về nhiệm vụ, nội dung công tác dân số trong tình hình mới. Đặc biệt là đẩy mạnh tuyên truyền về quy mô, cơ cấu, phân bố và chất lượng dân số; duy trì mức sinh thay thế, tận dụng cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số, phân bố dân số hợp lý và nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tuyên truyền về phương tiện tránh thai, không để tình trạng nơi thừa, nơi thiếu, ảnh hưởng đến công tác KHHGĐ; sự thuận tiện của việc mua và sử dụng các phương tiện tránh thai thông qua tiếp thị xã hội, xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ/sức khỏe sinh sản... Nhất là tập trung đẩy mạnh truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi về bình đẳng giới, không lựa chọn giới tính, nêu cao vai trò của phụ nữ trong gia đình và xã hội; chú trọng truyền thông tạo dư luận xã hội phê phán các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi và ủng hộ người phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này...
Để thực hiện có hiệu quả hơn nữa công tác truyền thông chuyển đổi hành vi về dân số, thời gian tới, Chi cục tiếp tục duy trì việc cung cấp thông tin dưới nhiều hình thức về công tác dân số đến cấp ủy, lãnh đạo chính quyền, ban, ngành, đoàn thể các cấp, người có uy tín trong cộng đồng nhằm tạo sự ủng hộ, cam kết mạnh hơn về sự lãnh đạo, chỉ đạo các chính sách, nguồn lực và sự đồng thuận của dư luận xã hội đối với chương trình dân số. Bên cạnh đó là tiếp tục phối với các cơ qua chức năng thực hiện truyền thông thường xuyên các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân số; tổ chức truyền thông thông trực tiếp tại cộng đồng thông qua đội ngũ cộng tác viên và các hoạt động truyền thông thường xuyên, lưu động đến các nhóm đối tượng khó tiếp cận…