Tôi chủ động đến sớm hơn giờ hẹn để được chứng kiến hoạt động thăm khám, chăm sóc bệnh nhân của cán bộ, y bác sĩ, kỹ thuật viên Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Thái Nguyên (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội). Các khu nhà sạch sẽ, khuôn viên rợp bóng cây, tôi nhận ra ở đây tình người nồng ấm qua nụ cười và lòng biết ơn của những bệnh nhân đang làm thủ tục ra viện và của người bệnh ở lưu trú.
Anh Lê Thành Cương, Giám đốc Bệnh viện nói suy tư: Hầu hết các bệnh nhân là người yếu thế trong xã hội. Vì trước khi nhập viện, họ đã đi chữa bệnh nhiều nơi. Kinh tế khánh kiệt, tinh thần sa sút, không ít trường hợp buông xuôi, mặc kệ số phận. Nắm bắt được tâm lý ấy nên mỗi cán bộ, y bác sĩ, kỹ thuật viên của Bệnh viện đều nỗ lực phục vụ hết mình, hỗ trợ tối đa về mọi mặt cho bệnh nhân. Giúp bệnh nhân lấy lại thăng bằng tâm lý, hợp tác điều trị với thầy thuốc, sớm bình phục sức khỏe, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Dù còn gặp nhiều khó khăn, song nhiều năm liên tục Bệnh viện luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Một số chỉ tiêu chính như: Phẫu thuật; khám bệnh; giường bệnh và phục hồi chức năng đều vượt từ 20-50% kế hoạch/năm, không có trường hợp tử vong. Và hiện Bệnh viện đã tự giải quyết được những ca phẫu thuật chỉnh hình cơ bản như: Phẫu thuật bàn chân khoèo; phẫu thuật tạo hình trong di chứng bỏng. Về phục hồi chức năng, Bệnh viện quan tâm đầu tư thiết bị mới ứng dụng công nghệ cao như laser, sóng ngắn, siêu âm... trong điều trị. Đồng thời mở lớp dạy trẻ tự kỷ, trẻ chậm phát triển trí tuệ. Giúp các em cơ hội tái hòa nhập cộng đồng và khả năng học tập tốt. Trong thời gian từ năm 2016 đến hết tháng 10-2020, đã có trên 3.000 trường hợp bị các dị tật bẩm sinh, các bệnh do di chứng chấn thương, di chứng bỏng… được phẫu thuật, nhiều ca bệnh khó như: ghép da tạo hình trong di chứng bỏng; đục xương chỉnh trục; nối gân; gỡ dính… được phẫu thuật thành công, không có tai biến chuyên môn. Đã có hơn 5.000 lượt bệnh nhân các dạng bệnh: bại não, di chứng chấn thương, tai biến, trẻ tự kỷ… được điều trị phục hồi chức năng. Bệnh viện cũng đã duy trì việc sản xuất, lắp ráp cung ứng gần 800 dụng cụ trợ giúp: chân giả, áo cột sống, nẹp, máng chỉnh hình cho các thương binh, bệnh binh, người tàn tật.
Chia sẻ với Bệnh viện, nhiều tổ chức, cá nhân đã đến hỗ trợ cho bệnh nhân nghèo, như: Tổ chức SAP-VN; Chữ Thập Xanh, Trung tâm trực tiếp hỗ trợ trẻ em Hà Lan II, Tổ chức chân giả ngoại tuyến POF và các nhà hảo tâm trong, ngoài tỉnh. Nhờ đó, nhiều bệnh nhân nghèo được hỗ trợ phẫu thuật chỉnh hình; phục hồi chức năng và có cơ hội được tiếp cận với các dịch vụ y tế hiện đại.
Chị Nguyễn Thị Cẩm Vân, Phó trưởng Phòng Tổ chức, Hành chính, Tổ trưởng Tổ Công tác xã hội cho biết: Từ nhiều năm gần đây, Bệnh viện chủ động phối hợp cùng các nhà hảo tâm tổ chức nấu ăn miễn phí cho bệnh nhân nghèo. Đặc biệt từ tháng 10-2020, thông qua sự trợ duyên của nhóm “Gắn kết yêu thương Hà Nội”, bệnh nhân nghèo điều trị tại bệnh viện có 2 bữa ăn miễn phí vào trưa thứ Ba và trưa thứ Năm. Dù không đáng là bao, nhưng trong suất ăn hàm chứa đầy ắp tình người, giúp người bệnh có thêm năng lượng để sử dụng thuốc kháng sinh trong điều trị, và sức lực vượt lên chính mình.
Nhiều bệnh nhân từng vào - ra, gắn bó cuộc sống với phác đồ điều trị của bác sĩ hơn 10 năm nay. Bệnh nhân Nguyễn Thị Tâm là một ví dụ. Bà kể: Do tai biến mạch máu não, tôi bị bại liệt tứ chi, từng qua các bệnh viên tuyến Trung ương, tuyến tỉnh và sử dụng rất nhiều loại thuốc nam, thuốc bắc… rồi vào Bệnh viện này để thực hiện liệu pháp phục hồi chức năng. Nhờ sự tận tụy của các bác sĩ, kỹ thuật viên, tôi đã tự xúc được cơm ăn, tự tập tễnh đi lại. 10 năm nay, năm nào tôi cũng vào đây từ 1 đến 2 lần để điều trị… Đến các phòng điều trị phục hồi chức năng, tôi gặp ở đó nhiều “các loại hình” bệnh lý đang được đội ngũ kỹ thuật viên đổ mồ hôi hỗ trợ tập luyện. Chủ yếu là bị khuyết tật, dị tật hệ vận động, bại não, tai nạn lao động, tai nạn giao thông, các bệnh lý về cơ xương khớp, bệnh nghề nghiệp, sau chấn thương hệ vận động… Và Bệnh viện giúp họ phục hồi lại chức năng vốn có tạo hóa ban tặng cho con người.
Anh Cương cho biết thêm: Hiện, Bệnh viện được tỉnh giao tự chủ về các hoạt động, trong đó có tự chủ kinh tế, nhưng không vì thế mà tận thu, lạm thu của bệnh nhân. Vì người bệnh đến với chúng tôi đều đã quá đau đớn về thể xác, tinh thần và phần lớn trong số họ là người nghèo. Trong năm 2020 này, dù bị ảnh hưởng do dịch COVID-19, song Bệnh viện vẫn thực hiện hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn: Tổ chức khám bệnh cho hơn 1.300 lượt người; điều trị gần 1.300 lượt bệnh nhân; phẫu thuật 210 ca; phục hồi chức năng gần 1.100 ca; đo, khám sản xuất gần 200 dụng cụ chân tay giả. Bệnh viện cũng đã tổ chức nhiều đợt đến các xóm, xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, nơi người dân hạn chế tiếp cận các dịch vụ xã hội ở các tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lai Châu để khám sàng lọc bệnh nhân khuyết tật liên quan đến hệ vận động. Thông qua hoạt động này, nhiều bệnh nhân các tỉnh miền núi phía Bắc được phẫu thuật miễn phí.
Chợt anh dừng lời, tôi cũng lặng lẽ hướng mắt nhìn ra phía khuôn viên Bệnh viện. Cảm giác bình yên khi bắt gặp dưới tán cây xanh, thấp thoáng bóng dáng kỹ thuật viên giúp người bệnh tập đi. Kiên nhẫn và chân thành, tôi nghĩ như thế về đội ngũ cán bộ, y bác sĩ, kỹ thuật viên của Bệnh viện. Tất cả những hành động, thái độ phục vụ của các anh chị tạo dựng nên hình ảnh đẹp về người thầy thuốc vì nhân dân phục vụ. Xứng đáng với niềm tin và trở thành một địa chỉ tin cậy của bệnh nhân nghèo ở các tỉnh miền núi phía Bắc Tổ quốc.