Na Mao là 1 trong 2 xã trên địa bàn huyện Đại Từ hiện chưa có đơn vị thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt. Bởi thế, thời gian qua xã đã tích cực tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân xử lý rác thải tại nhà bằng cách xây dựng bể đốt rác thủ công. Qua đó đã đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại khu vực nông thôn.
Xã Na Mao có 912 hộ với 3.662 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 72%. Diện tích đất tự diện của xã trên 927ha, dân cư sinh sống không tập trung, xã lại chưa xây dựng được các điểm tập kết, trung chuyển rác, nên việc triển khai thu gom rác thải sinh hoạt tập trung hiện nay chưa thực hiện được. Ông Nông Văn Đông, Phó Chủ tịch UBND xã Na Mao cho biết: Nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, từ năm 2017 đến nay, xã đã triển khai mô hình bể xử lý rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình. Cách làm này đã mang lại hiệu quả thiết thực, giải quyết được lượng rác thải xả ra môi trường ở các khu vực dân cư. Góp phần thực hiện tiêu chí môi trường trong chương trình xây dựng nông thôn mới của xã.
Anh Lã Văn Hòe, xóm Khuân U cho biết: Cách đây 3 năm gia đình tôi có xây một bể xử lý rác thải sinh hoạt cao 1m, rộng 0,5m tại nương chè gần nhà, với các loại rác thải hữu cơ gia đình bỏ ra vườn làm phân bón, còn với rác thải vô cơ sẽ thu gom lại và mang ra bể đốt từ 1 đến 2 lần/một tuần.
Còn ông Long Văn Ngán, nhà nằm sát với cầu tràn Vực Tròn vẫn nhớ như in tình trạng ô nhiễm tại 2 bên đầu đầu cầu tràn, ông kể: Trước năm 2017, các loại rác thải từ túi ni lông, chai lọ, vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật đến cả xác lợn, gà đều được người dân đem ra 2 bên đầu cầu đổ. Dưới suối, những bao tải to, nhỏ buộc kín nổi lềnh bềnh trên mặt nước, mắc vào các bụi cây. Không chỉ thế, tại đường liên xã, liên xóm rác thải cũng được vứt bừa bãi. Mặc dù xã đã cho cắm biểm “cấm đổ rác” nhưng ngay dưới biển cấm vẫn thường xuyên ngập rác.
Chính quyền xã cũng đã cho đào các hố hai bên đầu cầu tràn Vực Ỏm và Vực Tròn nhưng do chưa có đơn vị xử lý nên thường xuyên bị ứ đọng và gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Tuy nhiên, từ khi có chủ trương của xã về xây dựng bể đốt rác thải tại gia đình, người dân đều có ý thức hơn, không còn hiện tượng rác thải vứt bừa bãi khắp nơi như trước.
Để triển khai có hiệu quả việc xử lý rác thải tại nhà, xã Na Mao đã giao Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên và Hội Nông dân xã phụ trách. Bà Dương Thị Sen, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Na Mao cho biết: Hội đã phối hợp với chi hội của các xóm tuyên truyền đến hộ dân về hiệu quả của việc sử dụng bể xử lý rác thải sinh hoạt tại nhà. Trong đó, chú trọng việc gương mẫu đi đầu thực hiện mô hình đối với gia đình các hội viên. Ngoài ra, hội còn huy động các hội viên mỗi tháng 1 lần dọn rác tại đường làng, các ngầm, suối.
Chi phí đầu tư thấp, dễ thực hiện, mô hình bể đốt rác tại các hộ gia đình đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao ý thức của người dân về bảo vệ môi trường. Đến nay, trên địa bàn xã Na Mao đã có 721/912 hộ gia đình xây dựng bể được bể đốt rác thải sinh hoạt.