“Hơn 25.000 người khuyết tật (NKT), trong đó có hơn 20.000 người đã được cấp giấy xác nhận khuyết tật. Dù không lành lặn về thể trạng, nhưng hầu hết NKT đều có nghị lực vươn lên. Trên hành trình vượt khó, vượt khổ ấy, NKT không đơn lẻ, luôn nhận được sự quan tâm, trợ giúp của Nhà nước thông qua các hoạt động hỗ trợ sinh kế”. Ông Vũ Đức Quyết, Trưởng Phòng Phòng Bảo trợ xã hội chia sẻ.
“Thân thể cha mẹ cho, khuyết đi cái gì, khổ cái đó”. - Ông Phạm Gia Lộc, Chủ tịch Hội NKT T.P Thái Nguyên nói với tôi bằng lời gan ruột.
Sinh ra là cậu bé khôi ngô, lành lặn. Rồi từ năm 3 tuổi, sau trận ốm thập từ nhất sinh, suốt phần đời còn lại của ông… phải “bàn tay lê lết thay chân”. Nhưng ông không đầu hàng số phận. Tự học văn hóa, tự lăn lóc kiếm sống và đơn thân nuôi 2 con. Nhiều việc đời không như ý mình, ông cam chịu đến khổ sở. Song những ghềnh, thác trong dòng chảy cuộc đời mang đi cả cay đắng lẫn ngọt ngào, ông nghiệm ra chân lý: Phải tự mình đứng dậy để sống cho ra một con người.
Ông Lộc chỉ là 1 trong hơn 25.000 người khuyết tật. Và mỗi người là một câu chuyện đầy nghị lực, tự vượt lên chính mình để hòa nhập với cộng đồng xã hội. Chị Hứa Thị Châu Giang, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cho biết. Tổng kết Đề án Trợ giúp NKT giai đoạn 2012-2020 trên địa bàn của tỉnh, toàn Hội có hơn 40.000 lượt phụ nữ là NKT được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao KHKT về trồng trọt, chăn nuôi; về phòng, chống bạo lực gia đình; xây dựng đời sống văn hóa, nông thôn mới… Các cấp hội đã trao tặng cho hội viên là NKT 850 suất quà; hỗ trợ 40 triệu đồng cho 2 hội viên làm nhà, sửa nhà; tặng 100 xe lăn, 50 gậy tập đi; tín chấp cho 71 hội viên nghèo với tổng số tiền vay hơn 2 tỷ đồng.
Còn chị Nguyễn Thị Minh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Người mù tỉnh tâm sự: Những người yếu thế chúng tôi luôn mong đón nhận được cơ hội, để nắm lấy, bật lên. Chỉ cần có cơ hội nhỏ như hạt vừng, chúng tôi sẽ làm được cả cánh đồng mang màu sắc no ấm.
Chị cũng như bao người đồng cảnh đã tìm thấy niềm tin yêu cuộc đời từ bao tấm lòng thiện nguyện, hảo tâm thông qua các hoạt động tài trợ, hỗ trợ, giúp NKT ổn định cuộc sống. Điển hình như Hội Bảo trợ NKT và Bảo vệ quyền trẻ em Thái Nguyên đã trao 132 xe đạp, 608 xe lăn, gần 400 suất quà cho hộ nghèo có NKT, với tổng trị giá gần 1,5 tỷ đồng. Với phương châm “Trao cần câu hơn cho con cá”, ông Mông Quốc Dũng, Trưởng Phòng Dạy nghề (Sở Lao động - TBXH Thái Nguyên) cho biết: Từ năm 2011 đến 2020, thông qua Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn, toàn tỉnh đã có 1.003 người khuyết tật được học các nghề nông nghiệp và nghề phi nông nghiệp. Hầu hết NKT sau khi được đào tạo đã có cuộc sống ổn định hơn.
Đến Trung tâm Hỗ trợ phát triển, giáo dục, hòa nhập trẻ khuyết tật Thái Nguyên, chị Nguyễn Thị Bích Hải, giáo viên dạy nghề của Trung tâm cho biết: Buổi sáng các em học văn hóa, buổi chiều các em được tham gia các lớp học nghề phù hợp với thể trạng sức khỏe của mình, như tin học, may công nghiệp, thêu zen. Trong 10 năm (2011-2020), Trung tâm thực hiện đào tạo nghề cho hơn 200 học sinh là NKT. Phần lớn sau học nghề, các em được các công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh tiếp nhận vào làm việc, điển hình như em Nguyễn Bích Thuận, đang làm việc tại Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG Thái Nguyên, với mức lương 6 triệu đồng/tháng; em Đào Thị Mai Hương, làm nghề thêu tại Hà Nội, với mức thu nhập 5 triệu đồng/tháng (mặc dù cả hai em đều bị điếc, câm)…
Cùng với đào tạo nghề, nhiều NKT còn được hỗ trợ vốn vay đầu tư phát triển kinh tế gia đình. Từ năm 2019 đến nay, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh đã hỗ trợ cho 4 người khiếm thị được vay với tống vốn 50 triệu đồng để phát triển chăn nuôi bò, lợn sinh sản. Các cấp, ngành của tỉnh trợ giúp cho 6 gia đình NKT sửa nhà, làm nhà ở, với tổng số tiền hỗ trợ hơn 100 triệu đồng. Đặc biệt dành cho người khiếm thị có 6 người được tham gia lớp học bấm huyệt, với kinh phí hỗ trợ hơn 82 triệu đồng. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Yến, Trưởng Ban Đại diện Hội Người Cao tuổi Thái Nguyên cho biết: Hiện toàn tỉnh có hơn 145.000 người cao tuổi, trong đó có hơn 5.000 NKT cao tuổi đang được nhận trợ cấp xã hội hằng tháng.
Cũng từ mục đích bênh vực, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho NKT, giai đoạn 2012-2020, Sở Tư Pháp đã thực hiện trợ giúp pháp lý cho 92 trường hợp là NKT; ngành Y tế các cấp thực hiện hỗ trợ về y tế cho gần 100.000 lượt NKT; ngành Văn hóa tạo thuận lợi cho NKT tham gia các hoạt động vui chơi giải trí, như không thu vé NKT vào thăm Bảo tàng, thư viện; giảm giá vé vào thăm các điểm du lịch; hằng năm tỉnh đều thành lập đoàn tham dự giải thể thao NKT toàn quốc. Nhiều các công trình văn hóa, sân chơi thể thao đã có đường đi riêng, phù hợp cho NKT sử dụng… Cả xã hội cùng dang rộng vòng tay nhân ái, giúp đỡ, hỗ trợ để NKT vượt lên mặc cảm, tự ti, sống hòa nhập với cộng đồng xã hội. Nổi bật là các hoạt động trợ giúp đầy nhân văn, mang tình người sâu nặng đã như liều thuốc quý, bồi bổ cho NKT thêm nghị lực vươn lên, sống có ý nghĩa hơn với cuộc đời thường.