Hướng về cơ sở

05:41, 14/11/2020

Những năm qua, hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở trên địa bàn tỉnh được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm đầu tư xây dựng, đã từng bước phát huy hiệu quả, tạo điều kiện để các tầng lớp nhân dân được hưởng thụ và tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

Xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở (TCVHCS) là việc làm ý nghĩa để phục vụ nhu cầu sinh hoạt tinh thần của nhân dân, do vậy, thời gian qua, các địa phương trong tỉnh đã dành nguồn lực đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở, đặc biệt là việc xây dựng các nhà văn hóa ở xóm, xã. Ông Nguyễn Mạnh Thường, Trưởng Phòng Xây dựng đời sống Văn hoá và Gia đình (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: Cùng với các nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, việc xã hội hoá đầu tư xây dựng thiết chế văn hoá, thể thao được các địa phương quan tâm triển khai thực hiện và đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ doanh nghiệp, người dân.

Theo đó, các địa phương trong tỉnh đã ban hành cơ chế hỗ trợ để người dân tích cực tham gia xây dựng hệ thống thiết chế văn hoá, thể thao, như: Huyện Đồng Hỷ hỗ trợ xây dựng mới nhà văn hoá khu dân cư với mức 60 triệu đồng/nhà; huyện Định Hoá hỗ trợ 20 triệu đồng/nhà; huyện Đại Từ, T.P Thái Nguyên hỗ trợ 15 triệu đồng/nhà; huyện Võ Nhai hỗ trợ 2 mức: Sửa chữa 50 triệu đồng/nhà, xây mới 150 triệu đồng/nhà; huyện Phú Lương hỗ trợ 3 mức: 10, 30, 35 triệu đồng/nhà; T.X Phổ Yên hỗ trợ 2 mức: 40, 50 triệu đồng/nhà; Đối với T.P Sông Công, hỗ trợ tổ dân phố sửa chữa nhà 15 triệu đồng, xây mới là 20 triệu đồng. Đối với xóm sửa chữa 30 triệu đồng/nhà, xây mới 40 triệu đồng/nhà.

Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, nhân dân đã hưởng ứng hiến đất, đóng góp tiền của, công sức xây dựng hệ thống thiết chế văn hoá, thể thao cơ sở. Xóm Bờ Đậu, xã Cổ Lũng (Phú Lương) là một ví dụ. Cùng với mức hỗ trợ 63 triệu đồng của huyện, bà con trong xóm đã đóng góp 670 triệu đồng để xây dựng nhà văn hóa rộng 200m2 và khu vui chơi thể thao, sân khấu văn nghệ trên tổng diện tích 1,3 nghìn m2. Ông Trịnh Hồng Thanh, Bí thư Chi bộ kiêm trưởng Ban Công tác mặt trận xóm chia sẻ: Xóm có 150 hộ với trên 600 khẩu. Trước kia, nhà văn hóa cũ rất nhỏ, bà con phải ngồi tràn ra sân khi có hoạt động tập thể. Khi có chủ trương xây dựng nhà văn hóa mới, bà con đồng thuận cao nên đồng lòng đóng góp, cùng xây dựng nhà văn hóa chung. Đến nay, nhà văn hóa mới đã hoàn thành đưa vào sử dụng khang trang, sạch sẽ, khuôn viên rộng, có cả khu đất nhỏ để trồng hoa, bà con rất phấn khởi.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, trong 7 năm qua, tỉnh ta đã huy động được trên 500 tỷ đồng để xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở. Đến nay, cả 9 huyện, thành, thị đã thành lập Trung tâm Văn hóa-Thể thao và Truyền thông. T.P Sông Công, huyện Phú Bình, Phú Lương, Đại Từ, Võ Nhai và T.X Phổ Yên đã xây dựng được nhà văn hóa đa năng.

Huyện Phú Bình, Đại Từ, Võ Nhai và T.P Sông Công đã có sân vận động cấp huyện. 100% xã, phường, thị trấn có Nhà văn hóa; 101/178 xã phường thị trấn có Trung tâm Văn hóa - Thể thao; toàn tỉnh có 2.653 nhà văn hóa xóm, tổ dân phố, trong đó 1.079 Nhà văn hoá-Khu thể thao đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; tỉnh cũng huy động các nguồn để hỗ trợ trang thiết bị âm thanh, ánh sáng cho một số xóm, xã vùng khó khăn, để bà con điều kiện sinh hoạt văn hóa tinh thần thuận lợi hơn.

Bà Nguyễn Thị Mai, Giám đốc sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch cho biết: Hiện nay hệ thống nhà văn hóa của xã, xóm, tổ dân phố đã cơ bản đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân. Tuy nhiên, thời gian gần đây do thực hiện Đề án sáp nhập các xóm, tổ dân phố khiến xuất hiện vấn đề là các thiết chế văn hóa cơ sở không đáp ứng được quy mô của các xóm, xã mới được sát nhập. Chúng tôi đang căn cứ vào hướng dẫn của Bộ Văn hóa, để tham mưu UBND tỉnh hướng dẫn các địa phương trong việc xây dựng các thiết chế văn hóa để đáp ứng với qui mô và thực tế hoạt động của xóm, bản, tổ dân phố trong giai đoạn tới.