Nâng cao hiệu quả hoạt động vay vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm

15:17, 14/11/2020

Đó là chủ đề của Hội thảo do Cục Việc làm phối hợp với Cục Quản lý lao động ngoài nước, Ban Tín dụng học sinh, sinh viên và các đối tượng chính sách khác tổ chức tại Cao Bằng ngày 13/11/2020 (ảnh).

Tham dự Hội thảo có lãnh đạo và chuyên viên các đơn vị thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), lãnh đạo và chuyên viên các sở LĐTBXH, chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) 14 tỉnh khu vực trung du, miền núi phía Bắc.

Sau 28 năm hình thành và phát triển, đến nay Quỹ Quốc gia về việc làm và các nguồn tín dụng ưu đãi khác đã và đang đóng vai trò quan trọng trong hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động, tạo thuận lợi cho đối tượng vay, góp phần hạn chế nạn “tín dụng đen”.

Khu vực trung du, miền núi phía Bắc gồm 14 tỉnh (Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Yên Bái, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Lai Châu) có vị trí đặc biệt quan trọng về an ninh quốc phòng và kinh tế - xã hội nhưng cũng là khu vực còn gặp nhiều khó khăn, dân cư thưa, kinh tế chưa phát triển, đông đồng bào dân tộc thiểu số. Các nguồn tín dụng ưu đãi của Nhà nước đã góp phần quan trọng hỗ trợ giải quyết việc làm, nhất là việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn.

Chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm 2020, xét riêng nguồn Quỹ quốc gia về việc làm và nguồn huy động của Ngân hàng CSXH đã hỗ trợ tạo, duy trì và mở rộng việc làm cho 39.886 lao động (chiếm 19,7% toàn quốc, trong đó lao động nữ là 7.205 người, người khuyết tật là 4.643 người và người dân tộc thiểu số là 3.475 người). Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, chính sách tín dụng ưu đãi tạo việc làm vẫn gặp nhiều thách thức, khó khăn.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận vào 3 nhóm vấn đề: Đánh giá kết quả hoạt động cho vay vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm tại địa phương, những mặt được, mặt hạn chế, khó khăn, nguyên nhân; đề xuất các giải pháp, nhất là giải pháp về tăng cường nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng CSXH và nguồn huy động của Ngân hàng CSXH; đề xuất, kiến nghị các nội dung cần sửa đổi, bổ sung trong Luật Việc làm trong thời gian tới.

Tiến sỹ Nguyễn Thị Quyên, Cục phó Cục Việc làm, Bộ LĐTBXH cho biết: Đây là hội thảo đầu tiên trong chuỗi các hội thảo tại từng khu vực trong cả nước nhằm đánh giá tổng thể hoạt động của chính sách tín dụng ưu đãi tạo việc làm thời gian qua và đề xuất sửa đổi trong giai đoạn tới.