Nhằm hạn chế tình trạng vứt rác bừa bãi của người dân và đảm bảo cho việc thu gom, vận chuyển rác, trên địa bàn xã Điềm Thụy (Phú Bình) đã hình thành 3 điểm tập kết, điểm chờ xe trung chuyển rác thải. Tuy nhiên, đây lại đang là nguồn gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông khiến nhiều người dân bức xúc.
Đi dọc tuyến Quốc lộ 37 và tỉnh lộ 266 (Phú Bình - T.P Sông Công) đoạn qua địa phận xã Điềm Thụy, “đập vào mắt” chúng tôi là 3 “bãi rác lớn” lộ thiên với vô số các loại bao tải, túi ni lông, chai lọ… vứt bừa bãi tràn ra cả lề đường. Cụ thể là tại tại Km109 +850 trên tuyến Quốc lộ 37 phía bên phải đầu cầu Hanh hướng Thái Nguyên - Phú Bình; hay dọc hai bên đường tỉnh 266, cách đảo tròn xã Điềm Thụy khoảng 20 mét (thuộc xóm Thuần Pháp) là hai bãi rác lớn. Ngoài ra, tại khu vực xóm Trung 3 có một điểm tập kết rác thải được xây dựng cố định, có tường bao quanh, tuy nhiên do gần đường tỉnh 266, sát khu dân cư và ngay cạnh một nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi nên gây bức xúc cho nhiều người dân.
Anh H.V.P, một người dân trong xóm Trung 3 cho biết: Hằng ngày, rác được xe thu gom đưa về đây và trung bình hai ngày mới được vận chuyển đi bằng xe chuyên dụng. Ngày nắng thì mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, còn vào ngày mưa thì nước từ bãi rác chảy ra đường, ruồi nhặng cứ thế theo gió vào nhà. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến đời sống, mà hoạt động kinh doanh của chúng tôi cũng gặp khó, lượng khách giảm hẳn. Chúng tôi đề nghị chính quyền địa phương xem xét di dời điểm tập kết ra nơi khác để người dân yên tâm sinh sống, phát triển kinh tế.
Cùng chung nỗi niềm này, chị L.T.H người dân xóm Thuần Pháp cho hay: Trước đây rác thường tập kết, đổ thành dãy dài giáp tường Công ty TNHH Kim Loại màu Việt Bắc (gần đảo tròn Điềm Thụy), nay được di dời xa hơn một đoạn, nhưng do gần đường to nên thường có một số người tiện ngang qua vứt trộm rác, túi to túi bé ngổn ngang sát lề đường, trông rất phản cảm và gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Trao đổi vấn đề này với đại diện chính quyền xã Điềm Thụy, chúng tôi được biết: Năm 2017, để đảm bảo tiêu chí về đích nông thôn mới, sau khi khảo sát, huyện và xã đã chọn khu vực xóm Trung 3 xây 1 điểm tập kết rác. Thời điểm đó, nơi đây vẫn là bãi đất trống, xa khu dân sinh sống và chưa có nhà máy nào… Dần dần, cụm công nghiệp, khu công nghiệp Điềm Thụy phát triển đã thu hút một lượng lớn người dân, công nhân đến làm việc, kéo theo một lượng lớn rác thải xả ra môi trường, xã Điềm Thụy đã thành lập 1 tổ thu gom rác thải. Tuy nhiên tổ chỉ có 3 người, trong khi đó xã có trên 700 hộ kinh doanh nằm dọc tuyến Quốc lộ 37 và đường tỉnh 266 nên Tổ ưu tiên thu gom rác tại những hộ nằm trên hai trục đường này, còn những hộ dân khác thì tự phân loại và xử lý rác tại nhà… Cộng với việc thiếu phương tiện, địa bàn rộng (tổng tuyến đường thu gom dài trên 8km) nên để giảm áp lực cho người thu rác, cũng như thuận tiện cho xe chuyên dụng vận chuyển rác, trên địa bàn xã đã hình thành 3 điểm tập kết như đã nêu trên.
Lý giải về tình trạng dồn ứ rác tại các bãi tập kết, ông Dương Ngọc Thơm, Chủ tịch UBND xã Điềm Thụy cho biết: Do hạn hẹp về kinh phí nên mỗi năm, xã chỉ có thể dành 90 triệu đồng để hợp đồng với Trạm Dịch vụ cấp nước và Môi trường huyện thu gom rác thải tại các điểm với tần suất 15 chuyến xe/tháng. Trung bình 1 chuyến xe chỉ tải được khoảng 6,5 m3 rác, trong khi đó, mỗi ngày tại các điểm tập kết trên có khoảng trên 4 m3 rác thải dồn về (2 ngày sẽ có trên 8 m3 rác)... Để khắc phục tạm thời tình trạng ô nhiễm tại các điểm tập kết trên, hằng năm, xã cũng tổ chức nhiều buổi ra quân thu dọn rác thải tại các điểm tập kết. Ngoài ra, xã cũng đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức trong nhân dân; phân công lực lượng trực chốt tại các điểm, qua đó phát hiện, nhắc nhở và xử phạt hành chính một số trường hợp vứt rác trộm, không đúng nơi quy định… Hiện để có thể di dời các điểm tập kết này đến vị trí khác là rất khó khăn, bởi đa phần đất trống trên địa bàn nằm trong quy hoạch các dự án. Tuy nhiên, tới đây, khi xã được thông qua quy hoạch chung đô thị mới Điềm Thụy đến năm 2040, chúng tôi sẽ đề xuất cơ quan chức năng bố trí bãi tập kết rác cho phù hợp hơn.
Trước tình trạng trên, thiết nghĩ, bên cạnh sự nỗ lực, quan tâm của các cấp chính quyền địa phương thì rất cần sự chung tay, nêu cao ý thức tự giác bảo vệ môi trường ở mỗi người dân, để đường đến trung tâm xã Điềm Thụy không trở thành nỗi ám ảnh mang tên “con đường rác”.