Xã Hồng Tiến là một trong những địa phương của T.X Phổ Yên có nhiều diện tích đất phải thu hồi để phục vụ các dự án. Tuy nhiên, nhờ sự năng động, nhạy bén trong chuyển đổi ngành nghề, người dân nơi đây đã từng bước nâng cao thu nhập, ổn định đời sống.
Xóm Hắng là một trong những xóm có diện tích đất bị thu hồi lớn với 90ha, và 200 hộ dân bị ảnh hưởng. Với lợi thế gần các khu công nghiệp phát triển, thay vì sản xuất nông nghiệp như trước kia, hiện nay, hầu hết các hộ dân trong xóm đã chuyển sang kinh doanh thương mại và dịch vụ; lao động trong độ tuổi được tạo điều kiện làm việc tại các công ty, nhà máy. Nhờ đó, cuộc sống của người dân những năm gần đây thêm khấm khá.
Ông Nguyễn Xuân Thỏa, người dân xóm Hắng cho biết: Để thực hiện Dự án Khu công nghiệp Điềm Thụy, năm 2014, gia đình tôi có hơn 9.000m2 đất bị thu hồi. Sau khi về nơi ở mới, tôi vẫn duy trì chăn nuôi lợn thương phẩm với quy mô khoảng 100 lợn thịt/lứa (chăn nuôi 3 lứa/năm), mỗi năm cho thu nhập khoảng 500 triệu đồng. Nhận thấy nhu cầu về nhà trọ tăng cao, đầu năm 2020, tôi đã xây dựng 30 phòng trọ và 4 cửa hàng để cho thuê mặt bằng, mỗi tháng lãi khoảng 20 triệu đồng.
Còn đối với gia đình ông Nguyễn Việt Hùng, ở xóm Ngoài cho biết: Năm 2014, từ số tiền được hỗ trợ, đền bù giải phóng mặt bằng, tôi đã cải tạo, sửa chữa nhà ở khang trang, rộng rãi hơn, phần còn lại tôi đầu tư hơn 500 triệu đồng để xây dựng chuồng lạnh khép kín và liên kết với Công ty CP Nông trại E.MOSS Việt Nam chăn nuôi gà lông trắng, quy mô 8.000-10.000 con/lứa. Bình quân mỗi năm, sau khi trừ chi phí cho thu lãi hơn 300 triệu đồng. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, mặc dù có nhiều diện tích đất bị thu hồi, song Hồng Tiến vẫn có hoạt động chăn nuôi phát triển với 3 trang trại và hơn 150 gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Theo ông Nguyễn Viết Đinh, Chủ tịch UBND xã Hồng Tiến, từ năm 2015 đến nay, trên địa bàn xã có khoảng 400ha đất bị thu hồi, ảnh hưởng đến hơn 1.000 hộ dân. Do vậy, làm thế nào để nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống cho người dân là vấn đề được xã quan tâm hàng đầu. Xã đã định hướng bà con chuyển dần sang kinh doanh thương mại và dịch vụ; hướng dẫn các hộ kỹ năng lập kế hoạch tài chính, hướng nghiệp, dạy nghề để có thể sử dụng hợp lý nguồn kinh phí sau khi được hỗ trợ, đền bù giải phóng mặt bằng... Nhờ vậy, xã không có tình trạng người dân nhận tiền đền bù xong chỉ một vài năm lại rơi vào tình cảnh thu nhập thấp, tái nghèo hoặc phải ly hương đi làm ăn xa.
Đến nay, trong cơ cấu kinh tế của xã Hồng Tiến, công nghiệp, thương mại và dịch vụ chiếm trên 70%; nông nghiệp chiếm 26%; tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm xuống còn 0,97%, thu nhập bình quân đầu người đạt 55 triệu đồng/người/năm… Điều đó cho thấy, cuộc sống người dân nơi đây đã từng bước được đảm bảo, ổn định sau khi bị thu hồi đất,