Trên 45 tỷ đồng tiền vận động hỗ trợ, chăm sóc nạn nhân da cam, hơn 260 căn nhà được sửa chữa, xây mới, thêm 365 nạn nhân được giải quyết chế độ và 4.500 lượt nạn nhân đi điều dưỡng phục hồi chức năng… Đó là những kết quả tỉnh ta đạt được sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam”.
Ông Hoàng Đức, Chủ tịch Hội NNCĐDC/đioxin tỉnh cho biết: Chỉ thị 43-CT/TW là cơ sở chính trị, pháp lý cao nhất để xây dựng tổ chức và hoạt động của Hội, đồng thời là cơ sở để hội đẩy mạnh xã hội hóa công tác chăm sóc, giúp đỡ NNCĐDC. Thực hiện chỉ thị này, Hội NNCĐDC tỉnh đã xây dựng kế hoạch, tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền về các nhiệm vụ thực khắc phục hậu quả của chất độc hóa học, chăm lo giúp đỡ NNCĐDC. Hội phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành khảo sát nắm tình hình nạn nhân đề để xuất chủ trương chính sách chăm sóc, giúp đỡ NNCĐDC cho phù hợp với tình hình địa phương và đúng với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.
Điểm nổi bật của Hội là thực hiện tốt công tác vận động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh để hỗ trợ, chăm lo cho NNCĐDC. Toàn tỉnh hiện có 9.856 NNCĐDC trực tiếp và gián tiếp, có 380 thân nhân các NNCĐDC đang hưởng chế độ hàng tháng. Trong 5 năm qua, Hội NNCĐDC đã nhận được sự hỗ trợ tiền mặt và vật chất quy ra tiền là 45 tỷ đồng để chăm sóc, giúp đỡ NNCĐDC bằng nhiều hình thức khác nhau. Cụ thể, các cấp hội đã vận động xây mới, sửa chữa 261 nhà tình thương, hỗ trợ vốn sản xuất cho gần 1.000 người, hỗ trợ điều trị bệnh hiểm nghèo cho trên 3.000 nạn nhân, khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho hơn 9.000 nạn nhân, tặng xe lăn, sách vở cho 1.400 nạn nhân và con, cháu nạn nhân…
Bên cạnh đó, các cấp, ngành chủ động hướng dẫn thủ tục và tổ chức giám định cho các đối tượng đủ điều kiện hưởng chế độ chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước, tích cực giải quyết khó khăn, tránh mọi phiền hà cho NNCĐDC khi làm các thủ tục, hồ sơ. Công tác thanh kiểm tra việc thực hiện chế độ được tổ chức thường xuyên, qua đó đã giải quyết được những hồ sơ tồn đọng, đình chỉ thu hồi các trường hợp hưởng sai chính sách… Công tác tuyên truyền vận động góp phần đầu tranh đòi công bằng, công lý cho NNCĐDC được Hội quan tâm thực hiện bằng những việc cụ thể như: Biên soạn tài liệu về cuộc chiến tranh hóa học của Mỹ tiến hành tại Việt Nam; thu nhận hơn 2 vạn chữ ký ủng hộ vụ kiện các Công ty hóa chất Hoa Kỳ…
Đặc biệt, Hội con luôn quan tâm, tạo điều kiện, khuyến khích những gương nạn nhân vượt khó vươn lên; tổ chức thực hiện nhiều hoạt động ý nghĩa trong dịp kỷ niệm Ngày Vì NNCĐDC (10/8) hàng năm, động viên, vinh danh những đóng góp, hi sinh thầm lặng của các nạn nhân và người nhà nạn nhân trong các ngày Lễ, Tết... Những hoạt động trên đã thu hút sự quan tâm, chăm lo giúp đỡ của cộng đồng dành cho NNCĐDC, giúp họ thêm niềm tin, nghị lực vươn lên cuộc sống.
Thực tế tại các địa phương, chúng tôi mới cảm nhận những thay đổi trong đời sống của các nạn nhân cũng như sự quan tâm của cộng đồng dành cho các nạn nhân thể hiện như thế nào. Hễ thấy ở đâu có những hoàn cảnh NNCĐDC khó khăn, nhất là về nhà ở, thì địa phương, ban ngành, đội, nhóm từ thiện lại cùng chung tay xây dựng cho họ căn nhà mới.
Trường hợp nạn nhân Nguyễn Văn Thông, ở xóm Phú Thanh 2, xã Thanh Ninh (Phú Bình) là một ví dụ. Ngay sau khi nắm được thông tin anh là nạn nhân da cam gián tiếp từ bố, sức khỏe đã ổn định sau nhiều năm điều trị bệnh tâm thần và sống một mình trong căn nhà đã hư hỏng nặng, thì chỉ trong thời gian ngắn, các cơ quan, đơn vị nhà hảo tâm đã hỗ trợ anh gần 70 triệu để xây dựng căn nhà mới. Hay như trường hợp của ông Nguyễn Văn Giáp, xóm Thắng Lợi xã Tràng Xá (Võ Nhai) được các cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Quân khu 1 hỗ trợ 80 triệu đồng để làm nhà. Trong căn nhà mới, ông Giáp xúc động: Vợ tôi mất từ lâu do mắc bệnh hiểm nghèo. Tôi và con trai út (bị câm điếc bẩm sinh) sống trong ngôi nhà gỗ xập xệ, hư hỏng không thể sửa chữa được. Thấy hoàn cảnh tôi thế, các cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Quân khu 1 đã hỗ trợ tôi tiền để làm nhà mới, tôi biết ơn các chú ấy lắm.
Tuy vậy, điều khiến nhiều người trăn trở đó là vẫn còn hàng nghìn người lính từ chiến trường trở về, phải chịu đựng đau đớn vì chất độc hóa học; con, cháu họ sinh ra với cơ thể, tinh thần không lành lặn nhưng chưa được hưởng các chế độ ưu đãi của Nhà nước. Nguyên nhân tình trạng này là do một số chính sách về NNCĐDC còn chưa đồng bộ, việc bổ sung giấy tờ chứng minh vùng miền tham gia kháng chiến cho các đối tượng gặp khó khăn do bị thất lạc, đơn vị giải thể…
Thực tế cho thấy, việc chăm lo cho NNCĐDC không chỉ là trách nhiệm của một hoặc hai đơn vị, mà cần có sự chung tay góp sức của cộng đồng xã hội. Để thực hiện tốt Chỉ thị số 43, đòi hỏi tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, chủ động trong tuyên truyền, vận động nhân dân. Đồng thời, tăng cường vận động các nguồn lực trong xã hội để chung tay giúp đỡ các NNCĐDC có thêm điều kiện, khắc phục khó khăn vươn lên trong cuộc sống.