Trang bị kỹ năng sống cho tân sinh viên

19:12, 20/11/2020

Với các tân sinh viên (SV), thử thách khi bước vào giảng đường không chỉ là những áp lực học hành, mà còn là sự va chạm ở một cuộc sống mới. Bởi vậy, kỹ năng sống là một hành trang cần thiết cho SV ngay từ những ngày đầu.

Bước vào giảng đường đại học, nhiều SV, đặc biệt là những bạn phải sống xa nhà sẽ không tránh khỏi bỡ ngỡ, xáo trộn. Có những chuyện tưởng chừng đơn giản như quản lý thời gian học tập, vui chơi hay “túi tiền” của chính mình lại trở nên khó thực hiện. Lê Thị Huyền, SV năm thứ nhất, Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh (Đại học Thái Nguyên) chia sẻ: Tháng đầu tiên nhập học, em được bố mẹ mua sắm các đồ dùng cần thiết, trả tiền thuê trọ và cho 3 triệu đồng. Lần đầu được cầm một số tiền lớn, nên cứ thiếu gì là em lại mua, không tính toán nhiều. Do đó, mới được 2 tuần thì tiền gần hết, em phải mua mỳ tôm để ăn. Sau vài lần chi tiêu không hợp lý, em đã rút ra được kinh nghiệm. Đây dường như là câu chuyện chung của nhiều SV năm nhất. Đa phần các em đều mới tự lập, tự quản lý tài chính. Việc thiếu kỹ năng sống, kỹ năng quản lý tài chính sẽ dẫn đến những khoản chi tiêu không hợp lý, sẽ dẫn tới những bữa ăn tạm bợ, ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần của SV.

Cuộc sống tự lập khiến các tân sinh viên gặp phải những khó khăn, như: phải tự chăm sóc bản thân, sắp xếp thời gian học tập, vui chơi sao cho hợp lý, lựa chọn các mối quan hệ xã hội... nếu thiếu kỹ năng sống, các em sẽ không biết cách ứng xử, bảo vệ mình trước những cạm bẫy. Đặc biệt, với tâm lý xả hơi sau 12 năm miệt mài đèn sách trên ghế trường phổ thông và xa tầm giám sát của gia đình, tân SV dễ hình thành lối sống, thói quen không lành mạnh, dễ sa đà vào các cuộc vui, trò chơi, ảnh hưởng đến chất lượng học tập và sức khỏe.

Ví dụ như Vũ Mạnh Cường, SV Trường Đại học Nông Lâm đã nhanh chóng bị cuốn vào những buổi chơi game thâu đêm suốt sáng sau 3 tháng nhập học. Cường tâm sự: Do tâm lý “xả hơi” sau khi đỗ đại học, tối nào em cũng chơi game, có những hôm thức đến 2-3h sáng và hôm sau không thể dậy sớm đi học. Chỉ một thời gian ngắn mà cơ thể sụt cân, người mệt mỏi, rất may được các anh chị ở khóa trên khuyên bảo nên em đã điều chỉnh kịp thời.

Nhằm giúp SV có một hành trang vững chắc, ngay từ đầu mỗi năm học, Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên các trường đại học, cao đẳng trong tỉnh đã tăng cường tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề, tập huấn kỹ năng sống cho tân SV. Anh Nguyễn Văn Việt, Bí thư Đoàn trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông cho biết: Đoàn trường trường phân công các liên chi đoàn hỗ trợ các bạn tân SV trong tuần đầu sinh hoạt công dân. SV gặp khó khăn sẽ được hướng dẫn cụ thể, có những SV sống khép kín, cán bộ Đoàn quan tâm, nói chuyện với các bạn nhiều hơn, khuyến khích các bạn tham gia phong trào để các bạn cởi mở hơn. Trong tuần sinh hoạt đầu khóa hay các hoạt động sẽ lồng ghép sinh hoạt kỹ năng thực hành xã hội giao tiếp, tác phong, quy tắc ứng xử. Đồng thời vận động các bạn tham gia vào các câu lạc bộ, đội, nhóm theo sở thích để có môi trường rèn luyện lành mạnh. Trong quy định về học lực và xét học bổng của nhiều trường, quy định về điểm rèn luyện của sinh viên được coi là bắt buộc. Điển hình tại Trường Đại học Y - Dược, SV muốn nhận học bổng ngoài học lực xuất sắc phải có điểm rèn luyện xuất sắc.

Để tránh bỡ ngỡ trước những thay đổi ở môi trường mới, các tân SV cần trang bị cho mình một tâm lý, lập trường vững vàng và những kỹ năng sống cần thiết.