Gắn với nhu cầu tuyển dụng lao động

04:36, 06/12/2020

Gần 46.000 người được tham gia các lớp đào tạo nghề; trên 100 nghề được cơ quan chức năng thẩm định, phê duyệt đưa vào chương trình đào tạo; trên 94 tỷ đồng hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT)... Đó là những kết quả nổi bật trong 10 năm (2010-2020) thực hiện Đề án đào tạo nghề cho LĐNT. Điều đáng ghi nhận hơn nữa là các ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh ngày càng hướng việc đào tạo nghề gắn với nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất.

Ông Mông Quốc Dũng, Trưởng phòng Dạy nghề (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết: Để sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí đầu tư của Nhà nước trong đào tạo nghề cho LĐNT theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020 (viết tắt là Đề án 1956), Ban Chỉ đạo Đề án 1956 của tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể và hiệu quả. Trong đó tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương khảo sát kỹ nhu cầu học nghề của người lao động (NLĐ) cũng như nhu cầu sử dụng lao động của các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn. Nhờ đó, hầu hết NLĐ sau khi được đào tạo nghề đều có việc làm mới hoặc vẫn làm công việc cũ nhưng thu nhập cao hơn so với trước đó. Nhiều ngành nghề phù hợp, mang tính bền vững, có khả năng thu hút đông đảo NLĐ tại các địa phương vào làm việc cũng được lựa chọn để đưa vào danh mục đào tạo nghề cho LĐNT, như: Kỹ thuật gia công bàn ghế, mộc mỹ nghệ, mộc dân dụng tại xã Tiên Phong (T.X Phổ Yên); kỹ thuật chế biến, bảo quản sản phẩm chè tại các xã thuộc vùng chè Tân Cương (T.P Thái Nguyên), xã Minh Lập (Đồng Hỷ), xã La Bằng (Đại Từ). Phổ biến nhất là các nghề may công nghiệp, điện tử, kỹ thuật công nghiệp, nấu ăn... 

Sau khi được đào tạo về kỹ thuật chăm sóc, chế biến chè, bà con xã Bình Yên (Định Hóa) đã từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm chè.

Để khuyến khích sự hợp tác giữa DN và NLĐ, ngoài các chính sách hỗ trợ của Trung ương, tỉnh Thái Nguyên đã ban hành một số chính sách ưu đãi đầu tư, khuyến khích và hỗ trợ nhà đầu tư có nhu cầu đào tạo nghề, sử dụng lao động đã đào tạo là người có hộ khẩu thường trú tại tỉnh. Cụ thể là hỗ trợ 25% tiền học phí đối với dự án có số lao động được đào tạo từ 50 đến 150 người; hỗ trợ 40% tiền học phí đối với dự án có số lao động được đào tạo từ 151 đến 300 người; hỗ trợ 50% tiền học phí đối với dự án có số lao động được đào tạo trên 300 người.

Điển hình là thỏa thuận giữa UBND tỉnh với Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam - Thái Nguyên về phát triển Dự án Sản xuất điện thoại di động, tỉnh thực hiện hỗ trợ cho gần 10.000 NLĐ; phối hợp với Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG hỗ trợ đào tạo nghề cho hơn 9.000 lao động. Các chính sách đã đáp ứng được nhu cầu học nghề của NLĐ, qua đó nâng cao kiến thức, kỹ năng, phương pháp sản xuất, kinh doanh tiên tiến, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế tại địa phương. Ngược lại, hoạt động đào tạo nghề cũng giúp các DN tìm kiếm được nguồn lao động dồi dào, có đủ trình độ làm việc và tác phong công nghiệp. Không ít DN đã chủ động đặt các “đơn hàng” cung ứng lao động đã qua đào tạo với các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh.

Nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo nghề, thời gian qua, mạng lưới giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh được quan tâm mở rộng. Các trung tâm, cơ sở đào tạo nghề được củng cố, phát triển; nhiều ngành nghề mới phù hợp với xu hướng của thị trường lao động được mở thêm. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 50 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gồm: 13 trường cao đẳng, 7 trường trung cấp, 13 trung tâm giáo dục nghề nghiệp công lập, 17 cơ sở khác tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Để nâng cao chất lượng đào tạo nghề, 100% các cơ sở chủ động đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo, gắn lý thuyết với thực hành, nên chất lượng đào tạo từng bước được nâng cao, đáp ứng với sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. 

Chia sẻ về vấn đề đào tạo nghề cho LĐNT, ông Dương Văn Tuyên, Chi cục phó Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp – PTNT) đánh giá: Thông qua đào tạo nghề, chất lượng LĐNT được nâng cao. Hơn thế, hầu hết LĐNT sau đào tạo nghề đã được các DN, cơ sở sản xuất tuyển dụng vào làm việc; hoặc tự đứng ra mở cửa hàng ăn uống, dịch vụ quảng cáo, sửa chữa... với mức thu nhập khá cao, khoảng từ 4 đến 15 triệu đồng/người/tháng. Không “đánh trống bỏ dùi”, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Đề án 1956 của tỉnh thường xuyên phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện những quy định về tiêu chuẩn đội ngũ giáo viên, triển khai rà soát các tiêu chí, tổ chức các lớp đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm; kỹ năng dạy học; nghiệp vụ quản lý; kỹ năng tư vấn về học nghề, việc làm cho LĐNT.

Cụ thể hơn là việc tổ chức các lớp bồi dưỡng kỹ năng biên soạn giáo án, giảng dạy kiến thức kinh doanh và khởi sự DN cho cán bộ quản lý, nhà giáo; xây dựng chương trình, biên soạn giáo trình dạy nghề. Cùng với đó đã có trên 5.000 lượt giáo viên dạy nghề được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; gần 130 chương trình, giáo trình đào tạo được thẩm định, ban hành, đưa vào giảng dạy trong cả giai đoạn 2010-2020...

Trao đổi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đánh giá: Nhờ thực hiện phương châm đào tạo nghề gắn với nhu cầu xã hội nên việc xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình, giáo trình đào tạo nghề đều được thực hiện nghiêm. Theo từng môn học, giờ học, giáo trình đào tạo nghề phải đáp ứng được các quy định về khối lượng kiến thức, những kỹ năng tối thiểu để sau khi tốt nghiệp người học có thể đi làm được ngay, nhà tuyển dụng không phải mất kinh phí và thời gian đào tạo lại...

Từ thực tế cho thấy việc đào tạo nghề gắn với nhu cầu thị trường lao động đã mang lại những hiệu quả thiết thực trong phát triển kinh tế - xã hội. Và nhờ có nghề mới, nhiều nông hộ có điều kiện vươn lên phát triển kinh tế, giảm nghèo, làm giàu chính đáng. Từ đó góp phần quan trọng thực hiện hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh trên địa bàn tỉnh.