Hiện nay, trên địa bàn T.P Thái Nguyên, xu hướng mua đồ ăn sẵn qua internet, mạng xã hội ngày càng tăng, đặc biệt là dân văn phòng. Chỉ cần một inbox đặt hàng qua mạng xã hội hay một vài thao tác đơn giản với các ứng dụng đặt đồ ăn online, khách hàng có thể mua và được ship đến tận nhà các loại thực phẩm, món ăn. Tuy nhiên, đi kèm với tiện ích là vấn đề nguồn gốc, chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được bảo đảm.
Từ đầu năm nay đến nay, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, người dân hạn chế ra ngoài thì dịch vụ cung cấp đồ ăn online lại nở rộ hơn bao giờ hết. Người mua có thể dễ dàng tìm mua đồ ăn online bằng các từ khóa tìm kiếm: Đồ ăn online Thái Nguyên, ship đồ ăn Thái Nguyên, đồ ăn ship 24/24… trên các trang mạng xã hội, ứng dụng đặt hàng qua mạng. Hàng trăm kết quả món ăn chế biến sẵn, giá bình dân cho thực khách lựa chọn. Người bán nào cũng giới thiệu hình ảnh rất bắt mắt, tươi ngon, kèm lời bảo đảm chất lượng. Tuy nhiên, không phải lúc nào mua thực phẩm online cũng đúng như lời quảng cáo.
Chị Đặng Thị Minh Thảo, tổ 3, phường Túc Duyên (T.P Thái Nguyên) cho biết: Do công việc bận rộn nên tôi thường xuyên đặt hàng đồ ăn trên mạng xã hội. Không phải lần nào đặt đồ ăn về tôi cũng cảm thấy ưng ý, tôi đã có lần đặt 4 suất cơm rang cùng các đồng nghiệp trên phần mềm đặt đồ ăn online. Hình ảnh món ăn được giới thiệu đầy đặn, bắt mắt, nhưng khi nhận hàng, chất lượng món ăn rất tệ… Sau lần đặt hàng đó, tôi cũng chỉ biết rút kinh nghiệm lần sau không mua đồ của gian hàng đấy nữa.
Tương tự như trường hợp của chị Thảo, chị Phạm Thị Hồng, tổ 1, phường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên) chia sẻ kinh nghiệm “đau thương” khi mua đồ ăn sẵn trên mạng: Tôi đã từng đặt mua gà ủ muối hoa tiêu của một người bạn trên mạng xã hội với giá 220 nghìn đồng/con. Gà ủ muối được giới thiệu là đã được đông lạnh, ăn lạnh càng ngon. Nhưng khi ăn thì tôi thấy phần da gà dai như cao su, phần thịt gà bên trong chưa chín, không hề ngon như lời chào mời. Từ lần đấy, bản thân tôi cũng “cạch mặt” luôn với đồ ăn sẵn rao bán trên mạng.
Có thể thấy, hiện chưa có cơ quan nào quản lý, kiểm soát chất lượng thực phẩm bán trên các tài khoản mạng xã hội, trong khi số lượng người bán đồ ăn trên mạng xã hội ngày càng nhiều. Không thể phủ nhận tính tiện dụng của mua bán online, tuy nhiên, thực tế không ít trường hợp người một số cơ sở chế biến sử dụng phụ gia không cho phép, thực phẩm bị hư hỏng biến chất do điều kiện bảo quản không đảm bảo... ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng. Cùng với đó, các mặt hàng rao trên trang mạng xã hội đa phần không chứng minh được chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ; địa chỉ kinh doanh không cụ thể; không có hóa đơn, chứng từ. Phần nhiều người mua hàng chỉ dựa trên niềm tin đối với người bán nên người tiêu dùng luôn phải chịu thiệt thòi.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lý Văn Cảnh, Chi cục Trường Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh nói: Việc quản lý kinh doanh thực phẩm online hiện nay còn nhiều khó khăn. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm hiện mới chỉ quản lý những cơ sở cố định, có giấy phép kinh doanh, còn cửa hàng tự phát trên mạng xã hội rất khó kiểm tra, quản lý. Thời gian qua chúng tôi cũng chưa tiếp nhận trường hợp nào được người dân báo cáo về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm khi mua đồ ăn trên mạng. Chúng tôi cũng khuyến cáo người dân nếu có những thông tin về cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm gây mất an toàn vệ sinh nên báo cáo với cơ quan chức năng để kịp thời giải quyết; thận trọng trong việc lựa chọn thực phẩm online, cần biết rõ thực phẩm mình mua của ai, ở đâu để đề phòng khi gặp sự cố. Với người kinh doanh online nên liên hệ với Chi cục để được hướng dẫn thủ tục dễ dàng nhất, lộ trình đăng ký kinh doanh hợp lý, đảm bảo các điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, kinh doanh được hiệu quả, lâu dài...