Sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ là 3 tiêu chí của phong trào xây dựng mô hình “Ngôi nhà 3 sạch” do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam phát động. Tháng 5-2020, xã Tân Đức (Phú Bình) là một trong hai địa phương được Hội LHPN tỉnh lựa chọn triển khai mô hình điểm “Ngôi nhà 3 sạch nông thôn mới”. Mặc dù mới thực hiện trong thời gian ngắn nhưng đến nay, mô hình không chỉ góp phần thay đổi suy nghĩ, cách làm mà đã trở thành “nếp sống” mới của nhiều hộ dân nơi đây.
Một vài lần đến xóm Tân Thịnh, xã Tân Đức, khi đến nhà của nhiều hộ dân, chúng tôi đều thấy cảnh quan xanh, sạch, gọn gàng, từ đường ngõ, cổng, sân, nhà, bếp, đến vườn, khu chăn nuôi... Hỏi ra mới biết đây chính là kết quả bước đầu của mô hình điểm “ngôi nhà 3 sạch nông thôn mới (NTM)” do Hội LHPN tỉnh lựa chọn triển khai. Mô hình điểm này được triển khai tại 2 xóm Viên và Tân Thịnh với 32 hộ dân tham gia. Các hộ dân được tập huấn kiến thức, phổ biến nội dung về “18 hành động” để đạt tiêu chí ngôi nhà 3 sạch NTM. Ngoài ra, mỗi hộ dân được Hội LHPN tỉnh tặng bếp đun tiết kiệm năng lượng, thùng cao su chứa rác và 4 triệu đồng. Kinh phí này các hộ dân sử dụng để mua các thiết bị, hoặc cải tạo chuồng trại, bếp, cổng, hệ thống thoát nước thải… nhằm cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường.
Đến gia đình chị Dương Thị Loan, mặc dù đây là hộ sản xuất nông nghiệp, có chuồng trại chăn nuôi gà nhưng chúng tôi không hề thấy mùi hôi thối, sân vườn đều sạch sẽ, từ sân đến trong nhà, gian bếp, mọi thứ đều được sắp xếp ngăn nắp. Chị Loan phấn khởi chia sẻ: Trước đây, Hội LHPN các cấp đã triển khai “Cuộc vận động xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”, hội viên phụ nữ chúng tôi đều đã hiểu và thực hiện nghiêm về các tiêu chí “3 sạch” như sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ…. Tuy nhiên, các tiêu chí trong “Ngôi nhà 3 sạch NTM” đã nâng cao hơn trước, cụ thể như: Mỗi hộ dân phải có hệ thống, đường thoát nước thải; có máy lọc nước (đảm bảo dùng nước sạch); có hố chôn lấp rác thải hữu cơ tại vườn; có vườn rau an toàn; khu chăn nuôi phải cách xa khu nhà ở; đồ đạc xếp ngăn nắp, có giá để giầy, giá để gia vị trong bếp. Với tinh thần hộ gia đình làm điểm, làm mẫu, tôi đã vận động chồng và các con cùng tham gia, dần dần đã tạo thành thói quen, mọi người đều có ý thức sắp xếp, chỉnh trang, giữ gìn vệ sinh chung, từ đó việc dọn dẹp nhà trở nên nhẹ nhàng, dễ dàng hơn trước.
Khẳng định về những hiệu quả từ mô hình, chị Dương Thị Loan, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ xóm Viên cho hay: Ban đầu, chỉ có 16/73 hội viên trong Chi hội được chọn tham gia làm điểm và nhận được hỗ trợ song qua một thời gian triển khai, sức lan tỏa của mô hình này đã gần rộng khắp đến nhiều hộ hội viên, hộ gia đình khác trong xóm… Qua khảo sát, đánh giá, đến nay cơ bản chỉ còn 5-6 hộ hội viên chưa đạt “ngôi nhà 3 sạch NTM” bởi ngõ vào nhà chưa được đổ bê tông.
Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, triển khai mô hình “Ngôi nhà 3 sạch NTM”, bên cạnh hỗ trợ của Hội LHPN tỉnh, Hội LHPN huyện và xã đã hỗ trợ 2 xóm 34 triệu đồng kinh phí chỉnh trang nhà cửa, giống cây cảnh, hoa trồng tại đường xóm. Hội LHPN xã Tân Đức đẩy mạnh tuyên truyền, vận động chị em thực hiện phân loại rác thải tại hộ gia đình, thu gom rác và vệ sinh đường làng ngõ xóm 2 buổi/tháng. Chăm sóc cắt tỉa, vệ sinh 20km tuyến đường hoa tại 20 chi hội. Ngoài ra, Hội LHPN xã cũng tăng cường kiểm tra đột xuất các hộ gia đình hội viên ở 17 chi hội phụ nữ xóm về phân loại rác thải tại nhà… Kết quả, 85% số hộ gia đình hội viên đã có thùng đựng rác và thực hiện nghiêm việc phân loại rác tại hộ.
Theo bà Đồng Thị Minh, Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Đức: Từ khi triển khai thực hiện cuộc vận động "5 không, 3 sạch" và “Ngôi nhà 3 sạch NTM”, nếp sống của các gia đình nơi đây đã đổi thay, văn minh rõ rệt. Năm 2020, Hội LHPN xã đã được Hội Nước sạch và Môi trường tỉnh khen thưởng vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vệ sinh môi trường. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục vận động các chi hội, hộ gia đình tích cực duy trì, nhân rộng và nâng cao hiệu quả của mô hình; phát huy tính gương mẫu, đi đầu của mỗi cán bộ, hội viên, làm tiền đề để xây dựng xã Tân Đức đạt xã NTM kiểu mẫu.