Sông Công lâu nay vẫn được biết đến là thành phố công nghiệp với các khu, cụm công nghiệp dày đặc. Trải qua quá trình hình thành và phát triển, đến nay, thành phố mang tên một dòng sông này đã tận dung thế mạnh, tiềm năng về đất và người để phát triển thương mại - dịch vụ, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao… Qua đó, đưa kinh tế - xã hội của địa phương phát triển toàn diện trên nhiều lĩnh vực, góp phần nâng cao đời sống người dân.
Ông Vũ Duy Nghĩa, Chủ tịch UBND T.P Sông Công cho biết: Quan điểm của địa phương là đưa thành phố phát triển toàn diện trên mọi lĩnh vực, do vậy, cùng với ưu tiên phát triển công nghiệp, thành phố còn chú trọng phát triển các nhóm ngành khác nhằm xây dựng Sông Công trở thành đô thị loại 2 tiên tiến, hiện đại. Để làm được điều này, cùng với việc xây dựng các chương trình, đề án phát triển thương mại - dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao, thành phố còn đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế như du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm…
Đi dọc các tuyến đường ở khu vực trung tâm T.P Sông Công, chúng tôi cảm nhận rõ diện mạo của một đô thị hiện đại đang ngày càng một thành hình. Nhiều siêu thị, cửa hàng tiện ích, trung tâm thương mại với cơ sở vật chất khang trang hình thành ở các trục đường chính; các đại lý bán lẻ, nhà hàng ăn uống được phân bố ở tất cả các xã, phường, giúp người dân thuận tiện trong việc mua, bán. Các loại hàng hóa, dịch vụ phục vụ cho đời sống sinh hoạt của người dân từ bình dân đến cao cấp đều đã có mặt trên địa bàn thành phố. Tính đến hết năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của T.P Sông Công đạt gần 1.800 tỷ đồng (tăng 16,1% so với năm 2019). Ông Trương Hoàng Trung, Phó Giám đốc Công ty TNHH Aloha Thái Nguyên bày tỏ: Qua 1 năm hoạt động kinh doanh trên địa bàn, chúng tôi luôn được chính quyền T.P Sông Công quan tâm, tạo điều kiện về mọi mặt. Cùng với đó, sức mua của người dân ngày càng tăng giúp cho doanh nghiệp duy trì hoạt động ổn định và ngày càng phát triển.
Cũng nhằm phát triển thương mại – dịch vụ, một trong những hoạt động đáng chú ý để hiện thực hóa mục tiêu phát triển du lịch của T.P Sông Công thời gian gần đây là tích cực tuyên truyền, quảng bá tiềm năng du lịch hồ Ghềnh Chè qua các phương tiện thông tin đại chúng; chú trọng nâng cấp, phát triển cơ sở hạ tầng du lịch… nhằm kêu gọi các nhà đầu tư. Kết quả, thành phố đã thu hút được 2 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch với số vốn đăng ký đầu tư trên 5.000 tỷ đồng. Anh Lê Văn Hiệp, Giám đốc HTX Du lịch cộng đồng hồ Ghềnh Chè thông tin: Theo sự chỉ đạo của UBND thành phố, chúng tôi đã hoàn thiện việc xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng rộng trên 200m2. Cùng với đó là xây dựng đảo hoa rộng khoảng 3.000m2. Vào những ngày thứ Bảy, Chủ nhật hay dịp nghỉ lễ, chúng tôi đón trên 200 lượt khách/ngày. Thời gian tới, lượng khách tham quan, trải nghiệm hồ Ghềnh Chè sẽ tăng, tôi dự định sẽ xây dựng thêm một nhà sinh hoạt cộng đồng nữa để phục vụ khách du lịch tốt hơn.
Tuyến đường vào xóm Tiền Tiến, xã Bình Sơn đã hoàn thành, góp phần tạo điều kiện thuận lợi để du khách tham quan, du lịch trải nghiệm tại hồ Ghềnh Chè.
Bên cạnh phát triển thương mại - dịch vụ, với đặc điểm diện tích đất nông nghiệp hạn chế, thành phố ưu tiên kêu gọi và đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Thời gian qua, nhiều mô hình trồng rau, hoa trong nhà lưới được hỗ trợ kinh phí, giúp người dân nâng cao thu nhập. Đến nay, Sông Công có 6 mô hình trồng rau, hoa công nghệ cao trong nhà lưới với diện tích hơn 15.000m2. Giai đoạn 2016-2020, thành phố đã hỗ trợ các mô hình này gần 1 tỷ đồng để đầu tư xây dựng nhà lưới, giống, máy móc phục vụ sản xuất. Việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Hiện, giá trị sản xuất trên 1ha diện tích đất nông nghiệp của toàn thành phố là 100 triệu đồng (tăng 12 triệu đồng so với năm 2015). Anh Tạ Xuân Bằng, ở tổ dân phố Vinh Quang 1, phường Châu Sơn chia sẻ: Gia đình tôi có hơn 3.000m2 đất. Trước đây, tôi chỉ trồng rau theo phương pháp truyền thống nên bị ảnh hưởng nhiều bởi thời tiết và sâu bệnh gây hại. Năm 2017, sau khi được thành phố hỗ trợ kinh phí gần 100 triệu đồng, tôi đã mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà lưới trên diện tích 1.000m2. Nhờ đó, tôi đã chủ động hơn về thời gian xuống giống, giảm tác động của thời tiết đến sự sinh trưởng, phát triển của cây, tỷ lệ sâu bệnh giảm đáng kể… Thu nhập vì thế tăng gấp đôi so với trước đây, đạt trên 100 triệu đồng/năm.
Ông Lê Tòng, ở tổ dân phố 10, phường Thắng Lợi: Là một người dân, tôi rất tự hào khi thành phố ngày một phát triển; đời sống người dân được cải thiện, nâng cao …
Với sự năng động, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, cùng sự chung sức, đồng lòng của mọi tầng lớp nhân dân, đến nay, thành phố Sông Công được đánh giá là địa phương phát triển kinh tế - xã hội toàn diện trong nhiều lĩnh vực. Tính đến thời điểm này, thành phố đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí của đô thị loại 2. Cho biết về kế hoạch phát triển của địa phương thời gian tới, ông Vũ Duy Nghĩa nói: Trên cơ sở Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ IX, nhiệm kỳ 2020-2025, bên cạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, thành phố sẽ tiếp tục xây dựng và thu hút đầu tư phát triển các tổ hợp dịch vụ, trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị, cải tạo và nâng cấp các chợ truyền thống. Cùng với đó là chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo chuỗi, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp; thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực du lịch ở địa phương…Từ đó, tạo dựng hình ảnh một thành phố trẻ phát triển năng động trong mọi lĩnh vực.
Hiện nay, tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng trên địa bàn T.P Sông Công chiếm 75%; thương mại - dịch vụ và du lịch chiếm 20%, còn lại là nông - lâm nghiệp và thủy sản; giá trị xuất khẩu năm 2020 đạt 155 triệu USD (tăng gần 2%); thu ngân sách Nhà nước đạt 334,6 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 70 triệu đồng/người/năm (tăng gần 10 triệu đồng/người/năm so với năm 2019); tỷ lệ hộ nghèo còn 1,47% (giảm 0,53%)…