Đã thành thông lệ, cứ vào thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của người dân luôn tăng mạnh. Cùng với vấn đề giá cả thì chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) luôn là điều khiến người tiêu dùng quan tâm, lo lắng.
Những ngày giáp Tết Nguyên đán Tân Sửu, cũng giống như hầu hết người nội trợ khác, chị Nguyễn Thị Ngà, ở tổ dân phố 6, phường Quang Vinh (T.P Thái Nguyên) tất bật lên thực đơn, đi mua sắm các loại thực phẩm cho gia đình. Theo chị Ngà, lo lắng nhất hiện nay của người tiêu dùng là làm sao chọn mua được sản phẩm chất lượng và an toàn. Việc bảo quản, chế biến hợp vệ sinh, nhất là không để xảy ra ngộ độc thực phẩm, nhiễm các bệnh lây truyền qua thực phẩm trong dịp này cũng được quan tâm. “Tôi chọn mua thực phẩm tại siêu thị và cửa hàng quen. Một số loại rau thì gia đình chủ động trồng hoặc mua của ở những địa chỉ rõ ràng.
Ở khu vực nông thôn, việc dự trữ thực phẩm cho những ngày Tết vẫn còn là thói quen của nhiều gia đình dù hàng hóa giờ rất đầy đủ. Ông Hoàng Văn Hòa, ở xóm Tam Hợp, xã Lam Vỹ (Định Hóa) cho biết: Đời sống ở nông thôn giờ đã khấm khá nhiều, bà con có điều kiện quan tâm hơn đến chuyện ăn uống, chất lượng thực phẩm. Không chỉ ăn ngon mà thực phẩm còn phải an toàn, đảm bảo vệ sinh. Tết này, nhà tôi cùng một vài gia đình chung nhau tự thịt một con lợn; còn các loại bánh kẹo, nước giải khát cũng chọn sản phẩm có uy tín, địa chỉ và nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Đến Tết… lại lo, đó là tâm lý chung của hầu hết mọi người đối với vấn đề thực phẩm những ngày này. Ai cũng mong muốn đảm bảo sức khỏe người thân, tránh bệnh truyền nhiễm hay ngộ độc liên quan đến ăn uống. Dạo quanh một số siêu thị, cửa hàng tạp hóa và chợ trên địa bàn tỉnh, chúng tôi nhận thấy hàng hóa được bày bán đa dạng và phong phú, từ các mặt hàng tươi sống như: thịt, cá, rau, củ, quả đến bánh, kẹo, nước ngọt, bia, rượu... Bên cạnh sản phẩm quen thuộc của các thương hiệu lớn, nguồn gốc, hạn sử dụng rõ ràng, có mẫu mã đẹp thì vẫn còn đó số ít hàng hóa chưa đảm bảo chất lượng, không có nhãn mác hay nguồn gốc xuất xứ.
Để đảm bảo sức khỏe và an toàn cho người dân, tỉnh đã thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu và mùa lễ hội Xuân 2021. Ông Lý Văn Cảnh, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh thông tin: Ngay từ cuối tháng 12-2020, chúng tôi đã có văn bản gửi phòng y tế, trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố yêu cầu chú trọng tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật và các biện pháp đảm bảo ATVSTP. Trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, công tác kiểm tra ATVSTP năm nay cũng có những đặc thù khác so với mọi năm. Mục đích kiểm tra là tăng cường tuyên truyền các doanh nghiệp, cơ sở buôn bán và người dân về phòng dịch và vệ sinh thực phẩm; phòng ngừa thực phẩm bẩn, không đảm bảo chất lượng và các nguy cơ mất an toàn và cuối cùng mới là xử phạt nếu để xảy ra sai phạm.
Bên cạnh đoàn kiểm tra liên ngành, các ngành của tỉnh gồm: Công Thương, Y tế, Nông nghiệp - PTNT cũng thành lập đoàn chuyên ngành; cấp huyện và xã tăng cường kiểm tra nội dung ATVSTP. Trong đó, tuyến tỉnh tập trung thanh tra, kiểm tra những cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm là đầu mối lớn, các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại. Ðối với cơ sở thực phẩm vừa và nhỏ, kinh doanh dịch vụ ăn uống chủ yếu do cấp huyện, xã kiểm tra theo phân cấp quản lý.
Ông Lý Văn Cảnh thông tin thêm: Qua kiểm tra cho thấy, cơ bản doanh nghiệp, sở sở buôn bán thực phẩm và người dân có ý thức, trách nhiệm giữ uy tín và lựa chọn thực phẩm an toàn. Một số sai phạm nhỏ đã được kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh. Mỗi dịp Tết Nguyên đán đều tiềm ẩn nguy cơ cao mất ATVSTP. Do vậy, bên cạnh sự nỗ lực của cơ quan quản lý Nhà nước thì cũng rất cần lương tâm nghề nghiệp, tinh thần trách nhiệm vì sức khỏe cộng đồng của các cơ sở, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Mỗi người tiêu dùng cũng chú ý tự đề cao trách nhiệm với bữa ăn của gia đình mình, lựa chọn thực phẩm có nhãn mác, địa chỉ hoặc biết được xuất xứ rõ ràng.