Đi chợ ngày cuối năm

19:01, 11/02/2021

Vào ngày cuối cùng của năm cũ, đi chợ quê để cảm nhận Tết đang về trên khắp nẻo đường. Mọi người từ già đến trẻ, ai cũng hồ hởi, phấn khởi mua sắm cho mình những món đồ thích hợp để đón chào năm mới. Phiên chợ 30 Tết cũng là một dịp nhắc nhở mỗi thế hệ hướng về cội nguồn với những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp từ ngàn đời của dân tộc.

Đã được đi nhiều vùng miền và tham gia một số phiên chợ Tết ở các miền quê khác nhau nhưng tôi vẫn thích nhất không khí chợ ngày 30 Tết quê mình, đông vui, náo nhiệt song hết sức mộc mạc, bình dị. Chợ Tân Đức quê tôi được coi là chợ lớn nhất miền tứ tân (các xã Tân Đức, Tân Hòa, Tân Thành, Tân Kim) của huyện Phú Bình. Cứ 5 ngày chợ họp 2 phiên, vào các ngày 2, 5, 7, 10 trong tháng. Chợ Tân Đức nằm trên khoảng sân rộng rãi ngay trước trụ sở UBND xã. Trước kia chợ là khoảng sân với nền đất nhưng đến nay phần lớn đã được đổ bê tông, một phần được xây thành các lán bán thực phẩm và đồ khô. Ngay từ 2-3 giờ sáng, các tiểu thương đã kéo đến kín chợ.

Ngoài những món đồ thường thấy, phiên chợ ngày 30 Tết rực rỡ hơn bởi sắc màu từ các hàng bán quần áo may mặc sẵn, hàng tạp hóa, đồ chơi cho trẻ con, các dàn đèn nháy… Trong đó, nhộn nhịp nhất là những sạp bán quần áo và đồ chơi trẻ em. Dù cơm ăn, áo mặc của trẻ con những năm gần đây đã đủ đầy song song tục lệ sắm sửa quần áo mới, mua vài món đồ chơi thưởng cho các con cháu vào ngày Tết hầu như gia đình nào cũng duy trì. Ngay cạnh đó là dãy bán hoa, quất, đào cây cảnh. Nhiều loại hoa từ hồng, cúc, đào, thược dược, ly đến violet, đồng tiền, cây quất, đào cành cũng được bày bán với giá cả rất bình dân.

Trẻ em háo hức được bố mẹ chọn lựa quần áo mới, đồ chơi.

Ngày Tết ở quê tôi, nhà nào nghèo lắm thì trong nhà cũng phải có lọ hoa tươi, đặc biệt không thể thiếu được hương trầm. Bà Dương Thị Nhị, xóm Phuc Thịnh năm nay 80 tuổi, bảo: Thắp hương thờ cúng gia tiên là bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Tục lệ 3 ngày Tết trên bàn thờ lúc nào cũng phải đốt hương cháy. Trong 3 ngày Tết, gia đình tôi thường chọn loại hương vong, mỗi vòng cháy được khoảng 8-10 giờ, khi hết lại tiếp tục đốt.

Cũng vì tục lệ này mà người dân đi chợ, hương là mặt hàng được chọn mua đầu tiên. Rảo bước đến những sạp hàng bán hương, tôi thấy đủ các loại hương tròn, hương bó đang tỏa ra mùi trầm dìu dịu... Rời khu bán hương, tôi ghé qua hỏi thăm bà cụ gần nhà bày bán hàng cạnh đó rồi chọn mua một bó mùi già. Từ thời bà ngoại đến mẹ đều nhắc nhở chúng tôi phong tục tắm rửa ngày 30 với nồi nước lá mùi giá để gột rửa đi những bụi bặm, không may của năm cũ, chào đón một năm mới tinh tươm, thơm tho. Với tôi, “mùi” Tết không thể thiếu hương dìu dịu khoan khoái của nồi nước lá mùi già.

Năm nào đi chợ 30 Tết tôi cũng rẽ qua hàng mía. Ngày trước, vào dịp Tết, các gia đình trong xã tôi đều lựa chọn 2 cây mía thật thẳng để buộc hai bên cột bàn thờ. Ý nghĩa của phong tục này để các cụ chống gậy về ăn Tết với con cháu, thể hiện tấm lòng thơm thảo của mỗi gia đình với tổ tiên, đón chào một năm mới an khang, đủ đầy ngọt ngào. Nhưng gần đây, phong tục này hầu như còn rất ít gia đình duy trì. Bà Nguyễn Thị Dâu, một tiểu thương tại chợ nói: Vẫn có một sô gia đình giữ thói quen này, nên năm nào cũng vậy, dù bận rộn, tôi vẫn mang mía đi chợ bán vì lo rằng có người cần không biết tìm mua ở đâu.

Dù đã trưởng thành và sinh sống ở thành phố nhưng tôi vẫn giữ thói quen ngày 30 Tết đi chợ quê cùng mẹ. Đi chợ để biết lựa chọn những thứ mình cần chuẩn bị trong ba ngày Tết. Đi chợ để cảm nhận hương vị Tết rất riêng ở quê mà khó chốn thị thành nào có được. Đi chợ quê ngày 30 Tết, ngoài cảm nhận niềm vui háo hức của bao người, để được trở về với những nét văn hóa truyền thống, những ký ức đã in sâu trong trí nhớ của nhiều thế hệ người Việt.