Gánh vác trọng trách thực thi công lý

15:48, 10/02/2021

Sự ra đời của hoạt động thi hành án dân sự (THADS) trong Nhà nước cách mạng nhân dân 75 năm trước được đánh dấu bằng Sắc lệnh số 130 ngày 19/7/1946 do Quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng ký và được đăng trên Việt Nam Dân quốc Công báo năm 1946, nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu cấp bách của nhiệm vụ thực thi công lý lúc bấy giờ.

Trước đó, để khẳng định tính chính nghĩa của cuộc cách mạng giành chính quyền và tính chính đáng, hợp pháp, đồng thời thể hiện sâu sắc bản chất và tư tưởng xây dựng Nhà nước thân dân, vì dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt chính quyền nhân dân “tuyên thệ chính trị” về “nghĩa vụ bảo vệ và thực thi công lý” tại bài huấn thị “Chính phủ là công bộc của dân” với bút danh Chiến Thắng. Bài huấn thị được đăng trên báo Cứu quốc ngày 19/9/1945 (chỉ hơn hai tuần sau khi thành lập Chính phủ lâm thời) và tiếp ngay sau đó là tại Sắc lệnh số 13 ngày 24/01/1946, một trong những văn bản đầu tiên đặt nền móng cho việc hình thành nền tư pháp xét xử. Với những nền tảng vững chắc đó, suốt 75 năm qua, vị trí và vai trò của công tác THADS không ngừng được tăng cường và mở rộng.

Nhiều kết quả khích lệ, nổi bật trong năm 2020

Năm 2020, dưới sự lãnh đạo sát sao của Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS và sự quan tâm của tỉnh Thái Nguyên, các cơ quan THADS trên địa bàn đã đoàn kết, nỗ lực, cố gắng vượt qua khó khăn, thách thức để hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.

Trong bối cảnh cảnh dịch COVID-19 bùng phát, ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội của đất nước, số thụ lý mới về tiền tăng đột biến (137,62%), song các cơ quan THADS trên địa bàn (10/10 đơn vị) đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu được giao, đạt 87,29% về việc (vượt 7,29%) và 52,37% về tiền (vượt 13,87%). Bên cạnh đó, Cục THADS tỉnh đã ban hành Quy trình tiếp công dân tại các cơ quan THADS trên địa bàn để đưa công tác này ngày càng đi vào nề nếp. Công tác dân vận, thuyết phục trong thi hành án được quan tâm, chú trọng, số vụ việc phải áp dụng biện pháp cưỡng chế, đặc biệt là cưỡng chế có huy động lực lượng có xu hướng giảm. Ủy ban MTTQ tỉnh và Cục THADS tỉnh đã ký kết Quy chế phối hợp nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục của các đoàn thể, đặc biệt ở cấp cơ sở trong công tác thi hành án. Các cơ quan THADS trên địa bàn cũng đã xây dựng Tủ sách pháp luật (trên 200 đầu sách/tủ) đặt tại phòng tiếp dân nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập, tìm hiểu chính sách, tiếp cận thông tin pháp luật THADS của đương sự và người dân.

Theo đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), những năm gần đây, chỉ số “Thiết chế pháp lý và An ninh trật tự” trong Đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh Thái Nguyên luôn được cải thiện, có thứ hạng cao, có xu hướng bền vững và thường xếp thứ 3/10 trong các chỉ số thành phần của tỉnh. Riêng chỉ tiêu THADS của tỉnh luôn nằm trong tốp 10 toàn quốc.

Ghi nhận, biểu dương những đóng góp của công tác THADS trên địa bàn tỉnh, năm 2020, Cục THADS tỉnh Thái Nguyên được Bộ trưởng Bộ Tư pháp xếp hạng A - Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và tặng Cờ Thi đua của ngành Tư pháp, được Ban Thường vụ Tỉnh ủy tặng Bằng khen và Chủ tịch UBND tỉnh tặng Cờ Thi đua.

Cán bộ Chi cục THADS Võ Nhai đi xác minh điều kiện thi hành án tại xóm Xuyên Sơn, xã Thần Sa.

Trăn trở trước thềm năm mới

2021 tiếp tục là năm có nhiều khó khăn, thách thức khi cả nước vừa tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép”, vừa bảo đảm tổ chức thành công các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước và địa phương, công tác thi hành án dân sự của tỉnh sẽ tiếp tục có nhiều thách thức cần phải vượt qua.

Trước tiên, đó là sự chậm trễ trong đổi mới, hoàn thiện thể chế pháp luật thi hành án trước yêu cầu cấp bách của sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội. Đó là một nền hành chính giấy còn rườm rà, chậm chạp trong hầu hết các quy trình thi hành án, là sự thiếu quyết liệt trong truy tìm tài sản bảo đảm thi hành án trong các giai đoạn tố tụng trước đó, là sự thiếu chế tài nghiêm khắc, kiên quyết xử lý người phải thi hành án thiếu trung thực, trốn tránh, chây ì, chống đối, là những kẽ hở tiềm ẩn trong thẩm định giá, đấu giá tài sản thi hành án, là sự thiếu vắng cơ chế hữu hiệu bảo vệ uy tín, danh dự của chấp hành viên và gia đình trước những rủi ro nghề nghiệp...

Bên cạnh đó, trong bối cảnh chung về tinh giản biên chế nhưng số lượng vụ việc thụ lý ngày càng tăng, tính chất ngày càng phức tạp dẫn đến áp lực công việc và nguy cơ sai sót ngày càng lớn. Có những địa bàn, bình quân 1 chấp hành viên phải giải quyết 350 việc/20 tỷ đồng/năm. Năm 2021, trên địa bàn tỉnh sẽ có những “đại án” được đưa ra xét xử, và đặc biệt, Luật Đầu tư năm 2020 với nội dung cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê có hiệu lực sẽ yêu cầu các giao dịch, tranh chấp phải trở lại sự phân xử của các thiết chế tư pháp. Do đó, dự kiến áp lực công việc thi hành án sẽ tiếp tục tăng lên nhiều lần. Trong năm 2021, các cơ quan THADS trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục đoàn kết thống nhất, nỗ lực cố gắng, chủ động sáng tạo để hoàn thành tốt nhiệm vụ thực thi công lý được giao.

Xuân mới đã về, những cán bộ thực thi công lý của Thái Nguyên vẫn luôn tự hào và thấm thía lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh - người đã đưa chủ nghĩa Mác-Lênin vào thực tiễn công tác tư pháp để xây dựng nền tư pháp nhân dân, xác lập tên gọi Tòa án Nhân dân để “tìm công lý trong nhân dân”, trong Thư gửi Hội nghị tư pháp toàn quốc Xuân 1948 (ngày 25/2/1948 tức 16 tháng Giêng năm Mậu Tý): “Tư pháp là cơ quan trọng yếu của chính quyền... Các bạn là những người phụ trách thi hành pháp luật. Lẽ tất nhiên các bạn cần phải nêu cao cái gương “phụng công, thủ pháp, chí công vô tư” cho nhân dân noi theo”.