Hỗ trợ sinh viên quê ở vùng dịch về nhà thuận lợi

08:39, 06/02/2021

Không áp lực về tiền lương, tiền thưởng như người lao động; không phải lo “vợ bìu, con ríu” như những người đã lập gia đình, sinh viên dường như là những người thảnh thơi nhất trên hành trình về nhà đón Tết. Nhưng hành trình về quê ăn Tết năm nay đối với những sinh viên ở Hải Dương, Quảng Ninh thật đặc biệt…

Đỗ Phạm Việt Vi - sinh viên năm thứ nhất Trường Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên) quê ở T.X Cẩm Phả (Quảng Ninh). Vì muốn tập trung học tập nên suốt học kỳ 1, em không về nhà. Theo kế hoạch đào tạo, quãng 23 tháng Chạp, buổi học cuối cùng sẽ kết thúc. Cái Tết đầu tiên trong vai trò tân sinh viên đem đến cho em bao nhiêu háo hức, đợi chờ. Thế nhưng ngày 27-1, thông tin về sự bùng phát trở lại của dịch COVID-19 ở Quảng Ninh và Hải Dương khiến mọi người lo lắng. Mạng xã hội, nhóm Facebook của lớp, nhóm Zalo của hội đồng hương đâu đâu cũng thấy những con số, địa danh và danh sách F0, F1, F2...

Chiều tối 28-1, hầu hết các trường đại học và cao đẳng ở Thái Nguyên đều có thông báo về việc thay đổi kế hoạch học tập, tạo điều kiện cho sinh viên về quê ăn Tết sớm trước nguy cơ dịch bệnh khó kiểm soát, giao thông bị hạn chế. Nhưng sự thay đổi ấy ban đầu khiến nhóm sinh viên Quảng Ninh, Hải Dương như “ngồi trên đống lửa” bởi nếu không thể về quê thì sẽ “ăn đâu ở đâu” khi trường học đóng cửa và bạn bè đều đã về nhà đón Tết. Thông tin về các chốt kiểm soát “nội bất xuất ngoại bất nhập” khiến họ vừa an tâm về công tác chống dịch ở quê hương, vừa lo lắng cho chính mình. Liệu có thể cùng gia đình sum vầy đón Tết?

Hiểu được sự lo lắng của sinh viên quê ở vùng dịch, các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh đều thể hiện trách nhiệm và sự quan tâm của mình trên nguyên tắc an toàn và thấu cảm. Cùng với việc quản lý sức khỏe, lịch trình di chuyển của người học qua hệ thống phần mềm, nhiều trường đã có chính sách hỗ trợ kịp thời về giấy tờ, thủ tục, tạo điều kiện vật chất, tinh thần giúp sinh viên có lộ trình về nhà thuận lợi nhất. Nguyễn Hải, sinh viên Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông (quê ở Ninh Giang, Hải Dương) chia sẻ: “Trái với một số bạn nóng lòng thuê xe trong đêm để về quê nhưng đi được nửa đường lại quay về vì không được vào thành phố, em bình tĩnh ở lại trường để chờ những thông tin chính xác nhất.

Được biết, nhiều sinh viên Hải Dương đã lập nhóm sẵn sàng ăn Tết ở Thái Nguyên  nếu diễn biến dịch còn phức tạp”. Đồng quan điểm với Hải, một sinh viên năm cuối Trường Đại học Nông lâm (Đại học Thái Nguyên) cũng cho biết: “Chúng em là những người trẻ, suy nghĩ rất cởi mở. Bao nhiêu chiến sĩ, người lao động, người tình nguyện nhiều năm ăn Tết xa quê được thì chúng em cũng có thể đón nhận điều đó. Thậm chí, đây có thể là trải nghiệm đặc biệt của đời sinh viên”. Được biết, khi Tết đã cận kề, tại Trường Đại học Y - Dược (Đại học Thái Nguyên) vẫn có 645 sinh viên năm cuối và 183 bác sĩ nội trú ở lại, sẵn sàng tham gia chống dịch.

Trong các nhóm lớp, kí túc xá và xóm trọ dường như sự quan tâm đặc biệt cũng dành cả cho các bạn sinh viên quê ở vùng dịch. Việt Vi cho biết em nhận được rất nhiều lời mời về nhà ăn Tết của các bạn Thái Nguyên. Biến cố đặc biệt này còn giúp tình đồng hương thêm phần gắn kết khi cùng chung hoàn cảnh, họ bỗng xích lại gần nhau, có trách nhiệm với nhau.