Hồ Núi Cốc thực sự là huyền thoại khi đã đi vào thơ, ca và chắc chắn sẽ còn được lưu truyền, trở thành dấu ấn sâu đậm với bất kỳ ai khi đặt chân tới bến, bờ nơi đây. Trong lành như chiếc gương khổng lồ soi bóng dãy Tam Đảo sừng sững uy nghi, hồ Núi Cốc mùa nào cũng đẹp đẽ, đáng đến. Tuy vậy, những năm gần đây, giao thông và kết cấu hạ tầng bao quanh hồ thiếu đồng bộ dẫn đến cả nghìn héc ta đất vàng trên 89 đảo và các khu vực ven hồ vẫn “ngủ yên”…
Trước năm 1974, miền đất hai bờ sông Công từ huyện Đại Từ, qua huyện Đồng Hỷ (thời điểm đó khối các cơ quan huyện Đồng Hỷ đặt tại xã Phúc Trìu) về T.P Thái Nguyên đã có kết nối giao thông. Nhưng đến cuối năm 1975, đập chính, các đập phụ của hồ Núi Cốc hợp long ngăn sông Công để dâng nước nên toàn bộ xã Phúc Thọ, 10 đội sản xuất của xã Vạn Thọ, 50% số xóm của xã Tân Thái, xã Lục Ba (huyện Đại Từ) và xóm Núi Cốc của xã Phúc Trìu chìm dần trong biển nước mênh mông.
Những tuyến đường vắt qua ruộng đồng, đồi núi dọc theo đôi bờ sông Công được tạo dựng bởi bước của nhiều thế hệ đã chìm sâu xuống đáy hồ, trở thành lối đi của cua, ốc và các loài thủy sinh. Ông Lê Văn Seo, trưởng xóm Thậm Thình, xã Cát Nê (Đại Từ) cho biết: Trước khi có hồ Núi Cốc, quãng đường chúng tôi đi về T.P Thái Nguyên theo lối xã Tân Cương, ra quán Ba Trăm chỉ khoảng 15km. Hồ Núi Cốc hình thành, người dân các xã phía Nam của huyện Đại Từ phải đi vòng theo lối đường tỉnh 261, lên thị trấn Đại Từ rồi xuôi theo Quốc lộ 37. Chặng đường về T.P Thái Nguyên vì thế kéo dài đến gần 50km.
Với những tiềm năng mang trong mình, vấn đề đầu tư hồ Núi Cốc trở thành khu du lịch trọng điểm Quốc gia để khai thác trọn vẹn tiềm năng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của công trình đại thủy nông này đã được Chính phủ giao cho các bộ, ngành Trung ương và tỉnh Thái Nguyên nghiên cứu, tham mưu. Đến năm 2016, Chính phủ đã có quyết định phê duyệt quy hoạch Khu du lịch hồ Núi Cốc là khu du lịch trọng điểm cấp Quốc gia.
Ảnh: T.L
Tiếp đó, UBND tỉnh giao cho các ngành chức năng, chính quyền các địa phương, gồm: T.P Thái Nguyên, huyện Đại Từ và T.X Phổ Yên tiến hành khảo sát, thuê tư vấn lập quy hoạch, xúc tiến đầu tư…với mong muốn biến hồ Núi Cốc trở thành “viên ngọc sáng” để phát triển du lịch, dịch vụ. Đặc biệt, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đầu tư trên 200 tỷ đồng xây dựng tuyến đường ven hồ nối liền từ xã Tân Thái (Đại Từ) qua 2 xã Phúc Xuân, Phúc Trìu (T.P Thái Nguyên) để kết nối giao thông khu Nam hồ Núi Cốc. Đáng tiếc là do nhiều nguyên nhân mà tuyến đường khởi công từ năm 2017 đến nay vẫn chưa hoàn thành 100% khối lượng nên việc kết nối phía Nam hồ Núi Cốc còn dang dở. Cùng đó, UBND tỉnh đã đầu tư trên 30 tỷ đồng (chia làm 2 giai đoạn) để kết nối giao thông từ xã Phúc Tân (T.X Phổ Yên) đến xã Vạn Thọ (Đại Từ) nhưng vì lý do công trình nằm dưới cốt bảo vệ lòng hồ Núi Cốc, buộc phải điều chỉnh tọa độ nên cũng chưa phát huy được hiệu quả.
Một tuyến giao thông khác nhằm phục vụ phát triển du lịch hồ Núi Cốc cũng đã được UBND tỉnh giao cho các ngành chức năng của tỉnh và huyện Đại Từ triển khai từ điểm nối đường tỉnh 261 qua xã Lục Ba sang khu vực đền Gàn thuộc xã Vạn Thọ. Nhưng đến nay, Dự án mới thực hiện xong công tác giải phóng mặt bằng, thi công nền đường.
Điểm mấu chốt nữa để kết nối giao thông từ đập chính hồ Núi Cốc sang xã Phúc Tân với chiều dài 5,7 km đã được UBND tỉnh giao Sở Giao thông - Vận tải khảo sát, thiết kế và dự kiến triển khai trong năm 2020 nhưng do suy thoái kinh tế nên chưa bố trí được vốn. Cùng đó là tuyến đường Bắc Sơn kéo dài để kết nối từ trung tâm T.P Thái Nguyên đến hồ Núi Cốc (dài 9km) với tổng mức đầu tư trên 2 nghìn tỷ đã được triển khai nhưng vẫn chưa thông xe nên việc tiếp cận khu du lịch này còn bị hạn chế, chưa tạo được sức thu hút với các nhà đầu tư lớn.
Ảnh: Minh họa.
Trải rộng trên diện tích 2 nghìn héc-ta với hệ sinh thái đa dạng, môi trường nước, không khí trong lành và được bao bọc bởi cung núi Tam Đảo nên hồ Núi Cốc là địa điểm lý tưởng để phát triển du lịch, dịch vụ. Đây là lợi thế, tiềm năng không phải địa phương nào cũng có được. Thiết nghĩ với những kỳ vọng đã đề ra để biến hồ Núi Cốc thành trung tâm phát triển du lịch, dịch vụ thì trục giao thông phục vụ sự phát triển của khu vực này cần được sớm khởi động ngay trong đầu năm Tân Sửu này.