Gần 100 người đang được Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội Thái Nguyên (Trung tâm) quản lý, nuôi dưỡng, trong đó có hơn 70 người cao tuổi, gần 30 trẻ em. Đây là những đối tượng dễ mẫn cảm, dễ lây nhiễm COVID-19. Bởi thế, Trung tâm đã chấp hành nghiêm các quy định, hướng dẫn về phòng, chống dịch. - Anh Nguyễn Đức Dân, Phó Giám đốc Trung tâm chia sẻ.
Ngay khi nhận được thông báo về việc chủ động, sẵn sàng ứng phó với dịch COVID-19, toàn bộ các thành viên ở Trung tâm, bao gồm đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động cùng người già, trẻ nhỏ được phổ biến học tập các quy định về công tác phòng, chống dịch COVID-19; đồng thời nêu cao trách nhiệm, ý thức tham gia phòng dịch của từng cá nhân. Cụ Dương Thị Bài, 103 tuổi nói phúc hậu: Chúng tôi đang được các con (cán bộ) chăm nom chu đáo. Ngoài việc ăn, uống, ngủ, nghỉ mỗi ngày, các con còn hướng dẫn cho chúng tôi sát khuẩn tay ngày 2 lần, đo thân nhiệt ngày 2 lần, thường xuyên đeo khẩu trang và hạn chế đứng, ngồi gần sát nhau. Có mặt ở đó, Cụ Nguyễn Xuân Luyện, 90 tuổi cho biết: Ban đầu đeo khẩu trang thấy rất khó chịu, còn bây giờ thành thói quen.
Chị Dương Thanh Hà, Trưởng Phòng Y tế phục hồi chức năng của Trung tâm cho biết: Thời điểm này chúng tôi bận rộn hơn rất nhiều, bởi ngoài công việc chuyên môn thường ngày còn lo phòng, chống dịch COVID-19 như: tổ chức phun thuốc phòng dịch; đến từng phòng hướng dẫn cụ già và cháu nhỏ tích cực rửa tay, sử dụng nước sát khuẩn, đeo khẩu trang đúng cách, đo thân nhiệt 2 lần/ngày/người. Còn y sĩ Lương Văn Quy thì bảo: Toàn bộ cán bộ, viên chức, người lao động của Trung tâm đến làm việc đều được đo thân nhiệt và thực hiện sát khuẩn tay mới được vào cơ quan. Để bảo đảm an toàn, Trung tâm hạn chế việc đón tiếp thân nhân của các trường hợp đang được nuôi dưỡng, còn các đối tượng ở Trung tâm chỉ được phép ra ngoài trong trường hợp bắt buộc, song phải có giấy xác nhận của Ban Giám đốc.
Chị Trương Minh Thu, Trưởng phòng Quản lý, Chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng của Trung tâm cho biết: Tại các khu vực cổng ra vào, các cửa phòng ở của đối tượng đều được đặt chai nước sát khuấn tay. Riêng với đối tượng người cao tuổi, ngoài khẩu trang, từng cụ còn được cấp phát nước sát khuẩn riêng để tiện lợi cho việc chấp hành sát khuẩn tay thường xuyên trong ngày. Còn cháu Phạm Thanh Tùng, đang theo học lớp 7, Trường THCS Quang Trung (T.P Thái Nguyên) khoe: Ở đây cháu được bố mẹ (cán bộ) lo cho ăn, học. Bố mẹ không để cháu thiếu sách vở, đồ dùng học tập. Từ khi bùng phát dịch, bố mẹ cháu dặn đeo khẩu trang để phòng, tránh dịch bệnh, giữ gìn sức khỏe.
Chuyện bé Tùng kể khiến mọi người có mặt ở đó cảm nhận được sự bình yên giữa mùa dịch. Tôi không giấu được cảm xúc, nhìn ra sân Trung tâm, thấy ở đó những “thiên thần không may mắn” đang cùng mẹ Nguyễn Thị Dung (chị Dung làm hộ lý ở Trung tâm) tập hát, múa bài rửa tay: “Vũ điệu rửa tay - ghen cô vy” sôi động. Tôi thầm nhủ: Đội ngũ cán bộ, viên chức, công chức đang làm việc ở Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội Thái Nguyên, đang truyền lửa cảm hứng cho các đối tượng được nuôi dưỡng ở đây niềm tin, trách nhiệm tham gia phòng, chống dịch COVID-19.