Những năm gần đây, hoạt động nhân đạo, từ thiện vì cộng đồng đã trở thành phong trào có sức lan tỏa sâu rộng, thu hút các cơ quan, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân tham gia giúp đỡ người nghèo, đối tượng yếu thế. Có được hiệu ứng tích cực đó có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ tình nguyện viên thuộc các đội, nhóm, câu lạc bộ (CLB) từ thiện trên địa bàn.
Dù chỉ có thu nhập ít ỏi từ công việc bán bánh mì buổi sáng nhưng 10 năm qua, chị Mai Thị Vân, tổ 6, phường Trưng Vương (T.P Thái Nguyên) vẫn hăng hái tham gia hoạt động từ thiện. Hằng tháng, chị hỗ trợ bữa ăn sáng miễn phí cho học sinh nghèo, người lang thang cơ nhỡ; hỗ trợ gạo ăn, quà bánh cho các gia đình phụ nữ nghèo, người già neo đơn trong khu vực mình sinh sống. Là thành viên của Nhóm Thiện tâm Thái Nguyên, đều đặn 2 lần mỗi tháng, bất kể thời tiết, chị cùng các thành viên trong Nhóm đến nấu ăn miễn phí tại Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh, Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh; gói bánh chưng, tặng quà tết cho các đối tượng tại đây cũng như các bệnh nhân tại Khu điều trị Phong Phú Bình, Bệnh viện Tâm thần... Chị Vân nói: Khi không giúp được tiền thì tôi góp sức, mỗi người đóng góp một chút thì đã có thể cho những người khó khăn có cuộc sống tốt hơn.
Cùng chung suy nghĩ đó, tuy mới thành lập chưa đầy 2 năm, song đến nay CLB Kết nối yêu thương đã vận động được gần 1 tỷ đồng để hỗ trợ hàng nghìn hoàn cảnh khó khăn thông qua các hoạt động như: Xây mới, sửa chữa nhà nhân đạo; tặng xe đạp, học bổng cho học sinh nghèo; cứu trợ đồng bào miền Trung; ủng hộ khẩu trang, nước sát khuẩn cho công tác phòng chống dịch COVID-19; tặng quà Tết, nấu cháo tình thương, khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người cao tuổi... Chị Nguyễn Thị Hoa Huyền, Chủ nhiệm CLB chia sẻ: Từ vài người ban đầu nay CLB đã thu hút trên 40 thành viên. Mọi người đến với nhau bằng tinh thần tự nguyện, muốn sẻ chia với người nghèo nên ai cũng tận dụng thời gian, điều kiện, mối quan hệ của mình để tham gia các chương trình nhân đạo.
Với tinh thần vì cộng đồng, thời gian qua, các đội, nhóm, CLB từ thiện trên địa bàn tỉnh đã nhanh chóng sẻ chia và hỗ trợ đột xuất cho nhiều hoàn cảnh khó khăn. Như vào dịp giáp Tết Tân Sửu vừa qua, nhận được thông tin về hoàn cảnh khó khăn của bé Nguyễn Ngọc Sơn, 3 tuổi, xóm Ninh Giang, xã Bản Ngoại (Đại Từ) bị bỏng nặng do ngã vào thùng vôi tôi, đang cấp cứu tại bệnh viện, các thành viên CLB Từ thiện Đất thép đã liên hệ với các đội, nhóm khác, các nhà hảo tâm để vận động, kêu gọi giúp đỡ. Sau chưa hơn 1 tuần đã có gần 100 tập thể, cá nhân hảo tâm ủng hộ cháu với tổng số tiền gần 55 triệu đồng. Sự cứu trợ kịp thời này không chỉ giúp cháu Sơn vượt qua khó khăn mà còn là một thông điệp lan tỏa yêu thương tới nhiều người.
Không phân biệt thành phần tuổi tác, nghề nghiệp; hoạt động dựa trên tinh thần tự nguyện, những năm gần đây, mô hình đội, nhóm, CLB làm từ thiện trên địa bàn tỉnh xuất hiện ngày càng nhiều, góp phần lan tỏa các giá trị nhân đạo trong cộng đồng. Toàn tỉnh hiện có khoảng 30 mô hình, đội nhóm, CLB từ thiện, mỗi mô hình có từ 15-50 thành viên. Tiêu biểu như: “Trái tim vàng”; “Vì hạnh phúc là sẻ chia”, “Kết nối yêu thương”, “Cho bạn cho tôi”, “Nhân ái 11-11”, “Bác sĩ tình nguyện”, “Nụ cười của em”, “Dược thiện tâm”... Mỗi đội, nhóm, CLB từ thiện có những quy chế hoạt động, hình thức giúp đỡ, đối tượng hướng đến khác nhau song đều có chung tinh thần “cho đi” và mong muốn qua những việc mình làm lan tỏa sâu yêu thương hướng đến một cộng đồng.
Ông Lê Ngọc Duệ, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh cho biết: Các mô hình, tổ chức từ thiện đã góp phần đẩy mạnh công tác nhân đạo trong cộng đồng với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, kịp thời, đúng đối tượng. Có thể nói, hoạt động thiện nguyện của các đội, nhóm, CLB có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện tinh thần “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách” của dân tộc. Để tri ân các tình nguyện viên, đội. nhóm, CLB thiện nguyện, hàng năm Hội Chữ thập đỏ cũng tổ chức gặp mặt, vinh danh các mô hình hoạt động tiêu biểu, đồng thời tiếp tục tuyên truyền, vận động các nhà hảo tâm giúp đỡ các đối tượng yếu thế thông qua các mô hình này để họ khắc phục khó khăn, vươn lên cuộc sống.