Giữa tháng Chạp là thời điểm những vùng trồng hoa của thành phố Thái Nguyên bắt đầu rực rỡ. Những đóa hoa xuân không chỉ góp phần làm phố phường thêm tươi mới mà còn tạo ra nguồn thu nhập đáng kể cho người dân khi Tết đến, Xuân về…
Những ngày giữa tháng Chạp, về cánh đồng ở các xã phía Đông của thành phố Thái Nguyên như: Huống Thượng, Linh Sơn, chúng tôi như lạc vào thế giới của muôn hồng ngàn tía với cúc, đồng tiền, lay ơn, thược dược… Giữa đất hoa, câu chuyện của người nông dân cho chúng tôi thêm hiểu biết về nghề. Trồng hoa đã lắm công phu, nhưng để hoa nở đúng dịp Tết không chỉ là kinh nghiệm mà còn là những ứng dụng khoa học kỹ thuật trên đồng ruộng.
Bên những luống hoa, nâng niu từng khóm đồng tiền, chị Nguyễn Thị Luyến, ở xóm Bến Đò, xã Linh Sơn rủ rỉ: Gia đình tôi đã trồng hoa gần 6 năm rồi, vụ Đông nào cũng trồng từ 5 đến 7 sào. Trồng hoa mang lại lợi nhuận cao gấp 20 lần so với trồng màu, nhưng thực sự phải rất cầu kỳ, tỷ mỷ. Để có những bông hoa nở vào đúng dịp Tết phải cày bừa để đất ải từ tháng 9, sau đó mới đánh tơi đất, vun luống, tùy từng loại hoa để xuống giống, chăm sóc.
Ví như hoa cúc, xuống giống từ giữa tháng 10 Âm lịch, cây lên hơn 1 gang tay lại thắp đèn đêm để kéo cây vươn cao đều thì lúc thu hoạch mới có cành cúc thẳng, đẹp. Còn anh Nguyễn Văn Hà, ở xóm Làng Mon, xã Thịnh Đức, người có thâm niên trồng hoa gần chục năm nay thì bảo: “Gia đình tôi có 7 sào ruộng trồng hoa bán quanh năm. Nhưng vụ đông là vụ trồng chính nên chúng tôi đầu tư khá lớn với các loại hoa như: Cúc, hồng, lay ơn, ly, thược dược. Để trồng hoa bán Tết chúng tôi bắt đầu xuống giống từ giữa tháng 9 đến giữa tháng 10 Âm lịch (tùy từng loại hoa). Ngoài việc chuẩn bị các điều kiện như: Giống, đất, phân bón, kỹ thuật, người trồng hoa cần phải nghiên cứu thời tiết, bởi đây là yếu tố có tính chất quyết định đến sự thành bại của một vụ hoa.
Dồn công sức và cả tâm huyết chăm hoa nên những bông hoa do bàn tay khéo léo của người trồng luôn được khách hàng đón nhận. Chị Đỗ Thị Thủy, thường xuyên mua hoa tại các vùng trồng hoa của thành phố để bán tâm sự: “Tôi kinh doanh hoa đã 20 năm có lẻ, trước kia tôi thường nhập hoa từ huyện Mê Linh (Hà Nội) về bán, nhưng nay người dân vùng ven thành phố trồng hoa không kém cạnh nông dân trồng hoa các tỉnh dưới xuôi. Cánh hoa dày, màu tươi đậm, để được lâu, hoa cắt đến đâu bán hết đến đó, không mất nhiều chi phí vận chuyển, giá thành vừa phải nên hút người mua.
Chuyện về cây hoa giúp người dân tăng thu nhập, ông Ngô Danh Thùy, Trưởng phòng Kinh tế thành phố Thái Nguyên bảo: Do nhu cầu chơi hoa của người dân đô thị ngày càng lớn, đặc biệt vào dịp Tết Nguyên đán, nên những năm gần đây, nhiều hộ dân trên địa bàn mạnh dạn chuyển đổi đất trồng màu kém hiệu quả sang trồng hoa để nâng cao thu nhập.
Hiện nay, diện tích đất trồng hoa vụ đông trên địa bàn thành phố khoảng 30ha (không kể diện tích làng nghề hoa đào Cam Giá), tập trung ở các phường, xã: Túc Duyên, Gia Sàng, Linh Sơn, Huống Thượng, Thịnh Đức và Sơn Cẩm. Để khuyến khích người dân trồng hoa, T.P Thái Nguyên đã có nhiều chính sách hỗ trợ về giống, phân bón, kỹ thuật, triển khai một số mô hình trồng hoa chất lượng cao. Ngoài ra, cứ đến dịp cuối năm, thành phố Thái Nguyên lại bố trí các khu chợ bán hoa để người dân dễ dàng đưa sản phẩm đến người tiêu dùng.
Cùng với làng trồng đào Cam Giá hình thành từ nhiều năm nay, những vùng trồng hoa ven thành phố Thái Nguyên đã góp phần làm sắc Xuân thêm rực rỡ, tạo ra nguồn thu nhập đáng kể cho người nông dân.