Những làn mưa bụi giăng trắng trời, hoa mận, hoa mơ nở bung khoe sắc đã báo hiệu mùa Xuân đang về trên quê hương Thái Nguyên. Xuân về đồng nghĩa với việc khép lại một năm cũ và mở ra một năm mới đầy hy vọng. Trước thềm xuân, những cán bộ của ngành Y tế có quyền tự hào bởi họ đã nỗ lực hết mình để hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc trong suốt một năm qua.
Có lẽ, điểm nhất rõ nét của ngành Y tế trong năm vừa qua đó chính là họ đã làm tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19. Ngay cả khi trên địa bàn tỉnh xuất hiện ca dương tính đầu tiên với dịch bệnh nguy hiểm này (cuối tháng 3-2020), ngành Y tế vẫn chủ động làm tốt công tác tham mưu, khoanh vùng, dập dịch một cách nhanh chóng. Các hoạt động phòng, chống dịch đã được ngành tham mưu giúp UBND tỉnh thực hiện một cách bài bản, có hiệu quả. Cho đến nay, Thái Nguyên đã qua hơn 10 tháng không phát sinh thêm ca dương tính với COVID-19.
Bên cạnh đó, các hoạt động y tế khác, từ điều trị đến dự phòng cũng đều đạt kết quả tốt. Ông Đặng Ngọc Huy, Giám đốc Sở Y tế cho hay: Trong năm qua, các cơ sở khám, chữa bệnh (KCB), từ tuyến tỉnh đến cơ sở đã không ngừng được đầu tư, xây dựng, cải tạo, nâng cấp. Đội ngũ y, bác sĩ được tăng cường về lực lượng, nâng cao năng lực chuyên môn và đổi mới phương thức hoạt động. Thông qua đó, chất lượng KCB tại các cơ sở y tế trên địa bàn đã được nâng lên, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Bệnh viện A Thái Nguyên tiến hành khám, chữa bệnh từ xa, hỗ trợ y tế tuyến dưới.
Hiện, hệ thống KCB cả công lập và ngoài công lập trên địa bàn tỉnh phát triển đồng bộ với 01 bệnh viện tuyến Trung ương, 02 bệnh viện tuyến tỉnh đạt hạng I, 9 bệnh viện hạng II, 13 bệnh viện hạng III, 178 trạm y tế tuyến xã. Theo đó, toàn tỉnh có gần 2.000 bác sĩ/xấp xỉ 1,3 triệu dân. Hàng năm, số lượt người dân KCB tại các cơ sở y tế đạt trung bình hơn 2 lượt/người/năm; 100% bệnh viện ngoài công lập có KCB bảo hiểm y tế (tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế toàn tỉnh đã đạt 98,5%); số giường bệnh trên 10 nghìn dân đạt 50,7 giường, trong đó giường bệnh công lập đạt 47,1 giường, ngoài công lập đạt 3,6 giường, vượt kế hoạch đề ra.
Cùng với đó, trong năm qua, ngành Y tế đã tích cực, chủ động giám sát các bệnh truyền nhiễm trên địa bàn; chủ động đối phó tình hình dịch bệnh có thể xảy như: Có phương án thường trực, dự trữ cơ số thuốc, dịch truyền, vật tư, hoá chất, bố trí cơ số giường bệnh và các phương tiện cấp cứu hiện có, bảo đảm tốt công tác thu dung, cấp cứu điều trị và cách ly người bệnh theo đúng hướng dẫn hiện hành về phòng, chống dịch. Nhờ đó, năm qua, Thái Nguyên không có dịch bệnh lớn xảy ra.
Xét nghiệm COVID-19 tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên.
Về công tác tiểm chủng, đã được duy trì thường xuyên tại các huyện, thành phố, thị xã, đảm bảo an toàn. Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ đạt 75,3%, cao hơn so cùng kỳ năm 2019 (57,9%). Tỷ lệ tiêm sởi mũi 2 đạt 69,8% kế hoạch năm, cao hơn so với cùng kỳ năm 2019 (57,4%). Số bệnh nhân phát hiện mắc sốt rét là 13 ca, giảm nhiều so với cùng kỳ năm 2019 (112 ca), không có bệnh nhân có trùng sốt rét (+) (các bệnh nhân này là số người đi lao động tự do ở vùng mắc sốt rét lưu hành nặng trở về địa phương). Công tác khám, tư vấn và tiêm vắc xin phòng bệnh được lực lượng y tế mở rộng và triển khai có hiệu quả.
Để thực hiện có hiệu quả hơn nhiệm vụ được giao, trong năm 2021 và những năm tiếp theo, ngành Y tế tiếp tục chỉ đạo, kiểm tra, giám sát thường xuyên công tác phòng, chống dịch nói chung và dịch COVID-19 nói riêng; giám sát chặt chẽ diễn biến của dịch bệnh bạch hầu, sốt xuất huyết…; đảm bảo an toàn tiêm chủng, an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường; triển khai tốt các dự án thuộc chương trình mở rộng y tế - dân số, chương trình nông thôn mới…
Đồng thời, tiếp tục tham mưu với các cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền các cấp đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới”; tăng cường chỉ đạo, xây dựng, củng cố xã đạt tiêu chí Quốc gia về y tế gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới; đề xuất các danh mục, kỹ thuật, trang thiết bị phù hợp với các vùng để đảm bảo hoạt động y tế xã có hiệu quả, tránh lãng phí. Cùng với đó, Ngành tiếp tục tăng cường thực hiện thanh, kiểm tra chuyên ngành theo kế hoạch, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các sai phạm, bất cập trong công tác quản lý y tế…
Đặc biệt, hướng tới việc thực hiện chuyển đổi số, ngành sẽ quan tâm chỉ đạo các cơ sở y tế tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động quản lý, KCB; đầu tư nang cấp cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực y tế có tay nghề, chuyên môn cao để đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, tiếp nhận chuyển giao công nghệ…
Ngoài ra, ngành sẽ duy trì công tác phòng, chống và quản lý các bệnh không nhiễm trùng như tim mạch, ung thư, tai nạn thương tích, tiểu đường, tâm thần, ngộ độc. Thực hiện công bằng, hiệu quả trong việc tiếp cận sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, đặc biệt dịch vụ KCB. Đẩy mạnh phát triển đông dược và dược liệu, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại trong điều trị bệnh…