Chú trọng lựa chọn thực phẩm đảm bảo nguồn gốc, chất lượng; xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng; quan tâm kiểm tra, giám sát quy trình chế biến món ăn… là các giải pháp mà nhiều trường học trên địa bàn huyện Võ Nhai đã triển khai nhằm mang đến những bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) cho học sinh tại các bếp ăn bán trú.
Có mặt tại Trường Mầm non Dân Tiến 2, xã Dân Tiến vào thời điểm các nhân viên nấu ăn đang chuẩn bị bữa trưa cho các cháu, chúng tôi quan sát thấy khu vực nhà bếp khá sạch sẽ, có tủ lưu mẫu thức ăn theo quy định. Cơm, canh và thức ăn đã được chia ra từng nồi nhỏ, có đậy nắp để mang đến lớp cho các cháu. Chị Nguyễn Thị Mươi, Hiệu trưởng Nhà trường chia sẻ: Là xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn của huyện với 84% trẻ là con em đồng bào dân tộc thiểu số, trong những năm qua, chúng tôi luôn quan tâm tới bữa ăn của các con sao cho vừa đủ cân bằng dinh dưỡng vừa đảm bảo ATVSTP. Nhà trường thành lập Tổ giám sát bán trú gồm đại diện Ban Giám hiệu, giáo viên và đại diện phụ huynh học sinh thường xuyên kiểm tra, giám sát nguồn gốc thực phẩm, khâu vệ sinh, chất lượng bữa ăn cho học sinh. Nhân viên nấu ăn được khám sức khỏe định kỳ, được tập huấn kiến thức ATVSTP. Ngoài ra, Nhà trường cũng công khai thực đơn, khẩu phần ăn hằng ngày tại lớp học để phụ huynh theo dõi. Nhờ vậy, nhiều năm nay, Nhà trường chưa xảy ra ngộ độc thực phẩm, được cấp trên công nhận là trường học an toàn.
Đối với Trường Mầm non Tràng Xá, trong năm học này, Nhà trường đã nâng mức ăn của các cháu từ 13 nghìn đồng/ngày lên 15 nghìn đồng/ngày. Chị Đinh Thị Hiền, Hiệu trưởng Nhà trường cho biết: Nhằm đảm bảo ATVSTP, nhà trường đã thay đổi thực đơn theo tháng, theo mùa để giúp trẻ ăn ngon miệng và cân đối 4 nhóm chất dinh dưỡng phù hợp với từng độ tuổi khác nhau. Hiện nay, khu vực bếp ăn được xây dựng theo quy trình vận hành một chiều, chia thành các khu riêng biệt.
Trao đổi với chúng tôi, chị Hoàng Thị Huyền, Phó phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Võ Nhai thông tin: Năm học 2020-2021, toàn huyện có 64 trường học từ bậc mầm non đến THPT, trong đó có 34 trường tổ chức ăn bán trú. Để đảm bảo ATVSTP, ngay từ đầu năm học, chúng tôi đã phối hợp với Trung tâm Y tế huyện, Chi cục Vệ sinh ATTP tổ chức tập huấn cho cán bộ, giáo viên, nhân viên nấu ăn những kiến thức cơ bản về ATVSTP. Đồng thời, yêu cầu các trường tổ chức bếp ăn bán trú theo đúng quy trình, quy định và yêu cầu lựa chọn hợp đồng với các cơ sở cung ứng lương thực, thực phẩm có uy tín.
Để tìm hiểu rõ hơn về nguồn gốc, xuất xứ thực phẩm mà các bếp ăn bán trú trên địa bàn huyện Võ Nhai đang sử dụng, chúng tôi đã đi tìm hiểu thực tế tại Công ty TNHH Chế biến Phượng Hoàng, ở xã Phú Thượng. Bà Vũ Thị Thúy, Giám đốc Công ty chia sẻ: Hiện nay, trung bình mỗi ngày, chúng tôi cung cấp 5 tạ gạo; 2,5 tạ thịt lợn; 1,2 tạ thịt gà; 1 tạ cá; 4 tạ rau, củ, quả cho 20 trường học và 30 điểm trường trên địa bàn huyện. Về nguồn gốc rau, chúng tôi có trồng 1ha rau, củ, quả trong nhà lưới; còn thịt lợn, thịt gà, chúng tôi thu mua tại các trang trại trong tỉnh về giết mổ, sơ chế, hằng ngày đều có dấu kiểm dịch của cơ quan thú y, đảm bảo ATVSTP.
Với những giải pháp kiểm soát chất lượng thực phẩm đầu vào cũng như tuân thủ quy trình chế biến của các nhà trường đã góp phần ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm, đảm bảo dinh dưỡng, sức khỏe cho các cháu tại các bếp ăn bán trú.