Dự án đường du lịch ven hồ Núi Cốc nối khu Bắc với khu Nam của hồ đã được UBND tỉnh quyết định đầu tư xây dựng với kinh phí 123 tỷ đồng từ năm 2015. Theo tiến độ Dự án được UBND tỉnh phê duyệt, tuyến đường sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng trong năm 2020. Tuy nhiên, đến cuối tháng 3-2021 vẫn còn một số hạng mục của Dự án chưa hoàn thành, cầu nối từ xã Phúc Xuân sang xã Phúc Trìu (T.P Thái Nguyên) trên tuyến đường bị rào chắn lại…
Ngày 30/10/2015, UBND tỉnh đã có Quyết định số 2937/QĐ-UBND phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng đường du lịch ven hồ Núi Cốc nối khu Bắc sang khu Nam và giao Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch làm chủ đầu tư. Tuyến đường này có chiều dài gần qua địa phận xã Tân Thái (Đại Từ) và các xã: Phúc Xuân, Phúc Trìu (T.P Thái Nguyên) với tổng số vốn là 123 tỷ đồng.
Thực hiện Dự án, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã đấu thầu theo quy định và UBND T.P Thái Nguyên phối hợp với các cơ quan chức năng đền bù cho tổ chức, cá nhân có đất, tài sản trên đất thuộc các địa bàn tuyến đường chạy qua. Thời gian đầu, việc thi công gặp khó khăn vì có vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng do thiếu hồ sơ đất đai, thiếu kinh phí đền bù. Để tháo gỡ về công tác giải phóng mặt bằng, lãnh đạo UBND tỉnh và UBND T.P Thái Nguyên, đại diện các sở ngành của tỉnh đã trực tiếp đối thoại với người dân, có văn bản hướng dẫn về thực hiện kiểm đếm tài sản, giá đền bù cây trồng… nên người dân bàn giao mặt bằng để phục vụ thi công.
Qua hơn 4 năm thi công, đến nay Dự án đã hoàn thành được nhiều hạng mục, đoạn đường qua xã Phúc Trìu đã được thảm nhựa, có hệ thống lan can an toàn nên một số người dân địa phương, khách tham quan hồ Núi Cốc đã đi lại. Tuy nhiên, đoạn đường qua xã Phúc Xuân vẫn chưa xong. Nhất là công trình cầu vượt hồ Núi Cốc nối từ xã Phúc Xuân sang xã Phúc Trìu bị rào chắn 2 đầu nên không thể thông tuyến. Ông Trần Khương Duy, Chủ tịch UBND xã Phúc Trìu cho biết: Chính quyền địa phương phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng trong công tác giải phóng mặt bằng còn vì sao tuyến đường chưa đưa vào sử dụng, cầu vượt hồ Núi Cốc bị rào chắn không được đơn vị thi công thông báo nguyên nhân.
Một số người dân đã bàn giao mặt bằng để Dự án triển khai cũng kiến nghị sớm hoàn thành tuyến đường để người dân ổn định sinh hoạt, canh tác. Bà Nguyễn Thị Hiền, ở xóm Đá Dựng, xã Phúc Trìu, cho biết: Thời gian thi công kéo dài vài năm nên mưa lầy, nắng bụi. Chúng tôi bàn giao mặt bằng theo tinh thần vận động của lãnh đạo địa phương với mong muốn được hưởng lợi từ công trình nhưng cầu chưa thông, đường thì liên tục sản lở, đất đá nên rất nguy hiểm.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguyên nhân dẫn đến việc đơn vị rào chắn 2 đầu cầu nối từ xã Phúc Xuân sang xã Phúc Trìu là do còn vướng mắc về mặt bằng phía xã Phúc Xuân. Riêng nội dung sạt lở khối lượng đất đá xuống lòng đường đã nhiều tháng nay chưa được xử lý là do có 2 hộ dân ngăn cản đơn vị thi công di dời vật liệu, đòi hỏi phải thu hồi toàn bộ diện tích ngoài ranh giới của Dự án. Bà Nguyễn Thị Mai, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Cầu nối từ xã Phúc Xuân sang xã Phúc Trìu chậm tiến độ vì vướng mắc về mặt bằng, phải điều chỉnh quy hoạch nhưng sẽ tiếp tục thi công trong tháng 4 tới. Riêng 2 hộ dân ở xã Phúc Trìu ngăn cản không cho đơn vị thi công di dời khối lượng đất đá sạt lở dưới lòng đường đề nghị chính quyền T.P Thái Nguyên nên tuyên truyền vận động, cần thiết có phương án bảo vệ thi công.
Đây là hàng mục quan trọng để thúc đẩy du lịch hồ Núi Cốc phát triển. Do vậy, công luận đề nghị các cơ quan chức năng của tỉnh nên thường xuyên tham mưu cho UBND tỉnh để đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng khu vực xã Phúc Xuân. Việc 2 hộ dân ngăn cản di dời lượng đất đá tràn xuống đường du lịch ven hồ Núi Cốc thuộc trách nhiệm giải quyết của UBND T.P Thái Nguyên.