Nhân lên nét đẹp văn hóa ứng xử trong gia đình

10:56, 25/03/2021

Sau gần 1 năm Sở Văn hóa, thể thao và du lịch triển khai thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình tại xã Nam Hòa (Đồng Hỷ) và phường Mỏ Chè (T.P Sông Công), đời sống văn hóa trong mỗi gia đình và cộng đồng dân cư của hai địa phương này đã có chuyển biến rõ nét. Mối quan hệ trong gia đình thêm gắn kết, yêu thương, chia sẻ, góp phần lan tỏa chuẩn mực đạo đức, nét đẹp ứng xử trong mỗi gia đình.

Xã Nam Hòa (Đồng Hỷ) là một trong hai địa phương được lựa chọn thực hiện thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình tại 300 hộ dân trân địa bàn 3 xóm: Chí Son, Gốc Thị, Quang Trung. Ông Nguyễn Văn Hà, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Trước đây, địa phương cũng có thời điểm xảy ra những vụ bạo lực gia đình mà nguyên nhân chỉ bắt đầu từ những điều nhỏ. Cùng với đó, là địa bàn cơ sở mang đặc trưng văn hóa nông thôn nên ở một gia đình, việc phải có con trai nối dõi còn nặng nề, dẫn tới những xích mích không đáng có. Hay như việc gia đình nhiều thế hệ cùng chung sống mà các thành viên không có sự đồng cảm thì cũng dễ xảy ra bất đồng… Nhưng điều đáng mừng, từ sau khi triển khai thí điểm việc hiện bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, những vấn đề trên đã dần được người dân giải quyết. Trong xóm, người dân nhắc nhở nhau thực hiện tốt các tiêu chí ứng xử, nêu cao tinh thần gương mẫu. Nhờ đó, không khí đầm ấm, bình yên được tạo nên trong mỗi nếp nhà; cư xử thường ngày trong cộng đồng làng xóm cũng văn minh, lịch sự hơn.

Xã Nam Hòa có khoảng 41% số hộ là gia đình “Tam đại đồng đường”, “Tứ đại đồng đường”. Chúng tôi đến thăm gia đình ông Lý Quý Sông, 74 tuổi, người dân tộc Sán Dìu xóm Gốc Thị. Gia đình có ông, 4 gia đình các con, 8 cháu và 1 chắt. Tuy cách biệt về tuổi tác dẫn tới sự khác biệt về lối sống, sở thích, tâm lý của từng thành viên nhưng ông Sông luôn là người kết nối các thành viên trong gia đình, lắng nghe và giải quyết những khúc mắc để gia đình luôn là chỗ dựa vững chắc cho con, cháu. Ông cho biết: Gia đình tôi luôn thực hiện nguyên tắc nhường nhịn lẫn nhau, hễ người này nóng thì người kia nhường nhịn. Tuy nhiên, đó là những vận dụng kinh nghiệm cá nhân trong gia đình. Khi áp dụng Bộ tiêu chí ứng xử, tôi đánh giá rất cao những nội dung trong bộ tiêu chí bởi nó cụ thể và hệ thống hóa những nguyên tắc ứng xử giúp mọi thành viên, mọi lứa tuổi dễ dàng tiếp cận và vận dụng.

Còn T.P Sông Công cũng đã có nhiều chuyển biến tích cực khi đưa bộ tiêu chí triển khai thí điểm tại 3 tổ dân phố của phường Mỏ Chè. Ví dụ như tại gia đình bà Dương Thị Hoa, ông Nguyễn Đình Phong ở tổ dân phố 10. 4 năm trước, hai người con của ông bà không kìm nén được đã xúc phạm nhau dẫn đến ẩu đả gây thương tích. Xung đột tưởng đơn giản mà kéo dài mối bất hòa trong gia đình, anh em không nhìn mặt nhau. Sau nhiều lần hòa giải bất thành, năm 2020, tổ dân phố 10 với nòng cốt là tổ trưởng cùng với một số hộ dân đã dành nhiều thời gian nắm bắt cụ thể nguyên nhân xâu xa của bất hòa và hòa giải thành công mâu thuẫn giữa 2 người con của bà Hoa. Tết Nguyên đán vừa rồi, đại gia đình 3 thế hệ nhà bà Hoa, ông Phong đón một cái Tết đầm ấm, tràn đầy không khí gia đình. Bà Hoa xúc động: Sự bất hòa giữa các con khiến vợ chồng tôi hết sức đau lòng mà lại bế tắc vì không hòa giải được. Giờ thì gia đình tôi đã êm ấm trở lại, sự hỗ trợ hòa giải của tổ dân phố là rất quý giá.

Bà Vũ Thị Ngà, Bí thư kiêm Tổ trưởng Tổ dân phố 10 thì chia sẻ: Có bộ tiêu chí cụ thể các hành vi, ứng xử trong gia đình, thuận lợi cho người dân hiểu được trách nhiệm, nghĩa vụ với nhau. Trước đây, khi chưa có bộ quy tắc ứng xử, hoạt động hòa giải của chúng tôi chủ yếu dựa vào kinh nghiệm và văn hóa ứng xử địa phương. Năm 2020, khi triển khai vận dụng bộ tiêu chí này, chúng tôi đã dành thời gian nhiều hơn để nắm bắt tâm tư các thành viên trong đại gia đình nhà bà Hoa từ đó có những giải pháp cụ thể như: Tư vấn ông bà phân chia tài sản kế thừa cho từng người con, động viên những người con dành tình cảm, tình thương dành cho người thân… Và kết quả là đây là một trong những thành công đầu tiên của chúng tôi khi vận dụng bộ tiêu chí.

Tổ dân phố 10 hiện có 220 hộ dân với khoảng 800 nhân khẩu. Việc đề cao ứng xử trong gia đình, văn hóa xóm làng không phải chỉ mới được thực hiện từ khi có bộ tiêu chí ứng xử mà được người dân nơi đây coi trọng từ hàng chục năm nay. Tuy nhiên, việc triển khai bộ tiêu chí đã giúp cho hoạt động ở tổ dân phố đi vào chiều sâu, hoạt động có hiệu quả. Qua đó, tác động phần nào tới thành tích có tới hơn 99% gia đình đạt gia đình văn hóa, tổ dân phố cũng là tổ dân phố văn hóa nhiều năm liên tục, tổ không có hộ nghèo…

Nói về việc triển khai thực hiện thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử này, ông Nguyễn Mạnh Thường, Trưởng phòng Xây dựng đời sống văn hóa, gia đình (Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch) cho biết: Để việc thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình tại các gia đình được lựa chọn thí điểm phát huy hiệu quả, Sở đã phối hợp với các địa phương được lựa chọn tổ chức các hoạt động tuyên truyền bằng nhiều hình thức cụ thể như: phát thanh, pa nô, áp phích, tờ rơi về các kỹ năng ứng xử để xây dựng gia đình hạnh phúc; các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp trong gia đình và những chính sách, pháp luật quy định về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của gia đình và các thành viên... Đồng thời, đã tổ chức sinh hoạt cộng đồng theo các chủ đề của bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình: Ứng xử của vợ chồng; ứng xử của cha mẹ với con, ông bà với cháu; ứng xử của con với cha mẹ, cháu với ông bà; ứng xử của anh, chị, em ruột trong gia đình. Qua đó lắng nghe, trao đổi những chia sẻ sau thời gian thực hiện thí điểm để đề ra những hoạt động trọng tâm và giải pháp phù hợp theo tình hình thực tế của từng địa phương.

Cũng theo ông Thường, với những ý nghĩa và hiệu quả thiết thực mà Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình mang lại, thời gian tới, Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch sẽ nghiên cứu và triển khai nhân rộng trên địa bàn tỉnh để nhiều địa phương sớm tiếp cận với việc thực hiện Bộ tiêu chí, qua đó góp phần thiết thực xây dựng văn hóa, con người Việt Nam trong thời đại mới.