Trăn trở Tân Yên

09:31, 23/03/2021

Xóm Tân Yên, xã Mỹ Yên (Đại Từ) có 77 hộ với 320 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Dao (Dao Lô Gang). Xóm có trên 90% người dân làm nông nghiệp. Giao thông đi lại khó khăn đã và đang là rào cản lớn đối với phát triển kinh tế của người dân, nhất là trong việc vận chuyển nông sản, hàng hoá.

Năm 1958, 7 hộ đồng bào dân tộc Dao từ huyện Bắc Sơn (Lạng Sơn) đã di cư về mảnh đất Mỹ Yên sinh sống. Từ đó, “đất lành chim đậu” từ những hộ đầu tiên đã dần phát triển thành xóm Tân Yên, trải dài gần 3km dưới chân núi Tam Đảo. Cây chè hiện nay là một trong những cây trồng chủ lực, đem lại nguồn thu nhập chính cho người dân trong xóm. 

Ông Triệu Văn Quy, Trưởng xóm Tân Yên chia sẻ: Trước đây, do tập quán sản xuất lạc hậu, khó khăn về nguồn nước tưới, cho nên nhiều diện tích ngô, sắn của người dân trong xóm chỉ trồng một vụ, còn lại để hoang hoá trong thời gian dài. Những năm gần đây, nhờ được Nhà nước quan tâm đầu tư hệ thống kênh, mương nội đồng, thuận lợi về nguồn nước tưới, bà con đã chuyển đổi diện tích trồng ngô, sắn kém hiệu quả sang trồng chè. Do phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nên cây chè phát triển tốt. Đến nay, cả xóm có trên 12ha chè, chủ yếu là giống chè lai. Năm 2020, năng suất chè búp tươi của xóm ước đạt 95 tạ/ha. Nhờ đó, kinh tế của người dân cũng dần được nâng lên, nếu đầu năm 2016 tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo chiếm trên 40% thì đến cuối năm 2020 xóm chỉ còn 4 hộ nghèo và 6 hộ cận nghèo.

Điển hình là hộ gia đình ông Triệu Văn Thanh. Năm 2016, ông đã chuyển đổi 8 sào đất bãi trồng ngô kém hiệu quả sang trồng chè lai F1. Ông Thanh cho biết: Trung bình mỗi năm, gia đình tôi thu về được gần 4 tấn chè búp tươi, bán được trên 80 triệu đồng. Nhờ trồng chè, gia đình tôi đã có cuộc sống ổn định hơn và cách đây 2 năm đã ra khỏi diện hộ nghèo của xóm.

Mặc dù cuộc sống của người dân đã có nhiều khởi sắc so với trước đây, tuy nhiên, thu nhập bình quân theo đầu người của xóm hiện mới chỉ đạt 20 triệu đồng/người/năm, thấp hơn so với mặt bằng chung của xã 10 triệu đồng. Ông  Nguyễn Quang Khê, Chủ tịch UBND xã Mỹ Yên cho biết: Xác định giao thông đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của đồng bào dân tộc Dao xóm Tân Yên, trong những năm qua, xã đã huy động mọi nguồn lực để đầu tư cứng hoá tuyến đường trục chính của xóm. Tuy nhiên, do địa bàn rộng, người dân sống không tập trung nên đến nay mới đổ bê tông được 360m, còn lại hơn 2,5km vẫn là đường đất. Không chỉ việc đi lại của bà con gặp nhiều khó khăn mà còn ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế của người dân nơi đây, nhất là trong việc vận chuyển nông sản, hàng hoá làm ra.

 Anh Triệu Tiến Quỳnh, một người dân trong xóm chia sẻ: Do đường giao thông đi lại khó khăn nên thương lái vào chỉ thu mua với giá 20 nghìn đồng/kg chè búp tươi, thấp hơn 5-10 nghìn đồng so với các xóm khác trên địa bàn xã. Vào những hôm mưa nhiều, đường trợt trượt, lẫn bùn đất, tôi phải đi bộ gần 1km để vận chuyển hàng hoá ra cho các thương lái. Bên cạnh đó, việc vận chuyển vật tư nông nghiệp phục phụ sản xuất cũng rất vất vả.

Ông Nguyễn Quang Khê cho biết thêm: Việc bê tông hoá tuyến đường trục chính của xóm Tân Yên hiện nay đòi hỏi mức đầu tư lớn. Trong khi đó, nguồn lực huy động tại chỗ còn khó khăn. Chính quyền địa phương và nhân dân mong muốn trong thời gian tới các cấp chính quyền từ tỉnh đến huyện có chính sách ưu tiên về nguồn vốn, để hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông của xóm Tân Yên, giúp người dân đi lại thuận tiện, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.