Cơ hội "kép" giữa người lao động và doanh nghiệp

10:35, 06/04/2021

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành nội bộ; trong thực hiện chuyên môn tại các phòng chức năng đã tạo sự bứt phá quan trọng trong cải cách hành chính tại Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh. Thông qua công nghệ, toàn bộ thông tin cần thiết được chuyển đến địa chỉ cần nhận nhanh, chính xác. Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ đã mang lại cơ hội "kép" giữa người lao động và doanh nghiệp.

Bà Phạm Như Thùy, Giám đốc Trung tâm cho biết: Trong khoảng 3 năm trở lại đây, Trung tâm đã ứng dụng hiệu quả công nghệ vào các hoạt động điều hành nội vụ và chuyên môn. Các hoạt động như: tạo lập lưu trữ dữ liệu, truyền dẫn, xử lý, khai thác thông tin được tiện ích, hiệu quả nâng cao. Các hoạt động về quản lý cung ứng lao động; quản lý nhu cầu lao động; quản lý bảo hiểm thất nghiệp; hồ sơ công tác được số hóa. Toàn bộ các phần mềm ứng dụng được Trung tâm đầu tư nâng cấp thường xuyên, bảo đảm không xảy ra lỗi nghiêm trọng trong quá trình khai thác, phục vụ công việc.
 
Tìm hiểu tại Trung tâm chúng tôi nhận thấy: Hầu hết cán bộ, viên chức đều sử dụng, ứng dụng công nghệ vào thực hiện nhiệm vụ chuyên môn thành thạo. Công việc không bê trễ, được giải quyết nhanh, dứt điểm, chính xác và các thông tin của cá nhân, doanh nghiệp liên quan được bảo đảm an toàn. Theo đó, nhiều cách làm truyền thống, thủ công hiệu quả thấp dần được thay thế bằng cách làm sử dụng công nghệ. Đồng thời tác phong làm việc của cán bộ, nhân viên nhanh chóng thay đổi, thích ứng với thời đại của công nghệ số. Ngay trong nội bộ Trung tâm, việc triển khai kế hoạch, điều hành công việc và các thông tin, tài liệu được trao đổi qua hòm thư điện tử; qua hệ thống quản lý văn bản của đơn vị. Ngay từ phòng chức năng đã có thể xử lý đồng bộ các khớp lệnh liên quan đến các hoạt động như: bảo hiểm thất nghiệp; tư vấn, giới thiệu việc làm; thông tin thị trường lao động; người cần việc và việc cần người; đào tạo nghề.
 
Để đạt hiệu quả thiết thực nhất, Trung tâm không ngừng đổi mới, sáng tạo, tăng cường các hoạt động liên kết, nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Ông Bùi Tiến Đạt, Trưởng phòng Thông tin thị trường cho biết: Qua website, Fanpage Thị trường lao động, bảng tin điện tử, thậm chí là điện thoại cá nhân, chúng tôi mang lại cho các bên liên quan nhiều ích lợi, trong đó có việc thu thập, phân tích thị trường lao động; tìm kiếm, mở rộng thị trường lao động; dự báo thị trường lao động. Cùng đó là việc cung cấp cho doanh nghiệp, người lao động những thông tin mới về chính sách pháp luật của Nhà nước về lao động, việc làm; thông tin người tìm việc, việc tìm người bảo đảm nhanh, chính xác và rộng khắp. Hiện website việc làm của Trung tâm, tại địa chỉ thường trực “Vieclamthainguyen.gov.vn” thu hút trên 17.000 lượt người quan tâm. 
 
Từng có mặt tại một số phiên giao dịch việc làm trực tuyến, tôi cảm nhận được sự chuyên nghiệp trong ứng dụng công nghệ vào chuyên môn của đội ngũ cán bộ, viên chức tại Trung tâm. “Họ” là người đứng giữa các bên đối tác, luôn sẵn lòng chia sẻ, giúp đỡ, hỗ trợ cho các bên về sử dụng công nghệ. Vậy nên qua màn hình vi tính, giữa doanh nghiệp và người lao động có cuộc gặp gỡ thân thiện. Qua Trung tâm, đã có hàng nghìn lao động tham gia giao dịch việc làm trực tuyến với doanh nghiệp. Theo đó là hàng nghìn lao động có việc làm trong 3 năm gần đây. 
 
Với riêng điểm Sàn giao dịch việc làm trực tuyến ở Thái Nguyên, bình quân thu hút 65 doanh nghiệp, với hàng nghìn lượt người cùng tham gia/phiên, trong đó nhu cầu tuyển dụng tại phiên gần 10.000 vị trí việc làm, trong đó gần 70% lao động phổ thông; 12% lao động có trình độ từ đại học trở lên; 18% còn lại là lao động có chứng nhận, chứng chỉ nghề sơ cấp, trung cấp và cao đẳng nghề, cao đẳng chuyên nghiệp. Những ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng lớn là sản xuất linh kiện điện tử và may công nghiệp.
 
Việc Trung tâm triển khai, thực hiện ứng dụng triệt để các tiện ích của công nghệ thông tin - ngoài tính năng hỗ trợ công việc, còn thể hiện được tính năng động, nhanh nhạy thích ứng của đội ngũ cán bộ Trung tâm trong thời đại công nghệ số. Khẳng định vai trò “nhịp cầu nối” thông thoáng, bền chắc giữa doanh nghiệp và người lao động. Tạo môi trường dân chủ công khai, lành mạnh giữa doanh nghiệp và người lao động thông qua các thỏa thuận về hợp đồng lao động.