Hiệu quả mô hình làng nông thôn mới Saemaul

07:00, 24/04/2021

Sau 7 năm thực hiện thí điểm, mô hình “Làng nông thôn mới Saemaul” do Quỹ toàn cầu hóa nông thôn mới Saemaul Undong Hàn Quốc (SGF) tại Việt Nam triển khai đã góp phần thay đổi diện mạo nông thôn mới tại nhiều thôn, xóm trên địa bàn tỉnh. Ghi nhận của chúng tôi tại 2 mô hình làng Saemaul của huyện miền núi Định Hóa.

Chia sẻ về việc triển khai mô hình làng nông thôn mới Saemaul, ông Nguyễn Đức Quỹ, Trưởng xóm Phú Ninh, xã Phú Đình cho biết: Làng Saemaul Phú Ninh được triển khai từ năm 2019 với định hướng dựa trên đặc điểm, lợi thế sẵn có của xóm để giúp các hộ dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.

 Để cụ thể hóa mục tiêu đó, chỉ trong vòng hơn 1 năm triển khai mô hình, Quỹ SGF đã hỗ trợ địa phương xây dựng các bể nước, giếng khoan, hệ thống tưới tiêu… để người dân trồng chè thuận lợi hơn trong việc chăm sóc, sản xuất. Cùng với đó, Quỹ SGF còn chuyển giao kỹ thuật, vận động bà con chuyển đổi toàn bộ 60ha chè của xóm sang trồng chè cành theo tiêu chuẩn VietGAP cho năng suất và giá trị cao hơn.

 Qua đó, giá trị cây chè trên đất Phú Ninh cũng từng bước được nâng cao, giá chè búp khô tăng từ 150-200 nghìn đồng/kg (năm 2018) lên 200-300 nghìn đồng/kg. Theo đánh giá của nhiều khách hàng, chất lượng và hương vị của chè Phú Ninh không thua kém nhiều so với các vùng chè nổi tiếng khác trong tỉnh. Đây cũng là điều mà người tồng chè ở Phú Ninh mong mỏi suốt hàng chục năm qua.

Còn đối với xóm Tổ, xã Phượng Tiến, một trong những thay đổi ấn tượng nhất là tình hình sản xuất nông nghiệp của bà con đã có những bước phát triển vượt bậc. Theo đó, từ năm 2014 đến năm 2019, xóm Tổ thực hiện xây dựng Làng nông thôn mới Saemaul. Quỹ SGF đã hỗ trợ xóm chuyển đổi 7ha chè trung du sang chuyên canh chè cành, hỗ trợ con giống, tư vấn kỹ thuật cho 7 hộ chăn nuôi dê; tài trợ xây dựng 3 mô hình chăn nuôi thỏ với quy mô trang trại, thực hiện chuyển đổi các loại cây trồng, giống lúa… Qua đó, thu nhập của bà con ngày một tăng cao, đời sống người dân được cải thiện.

Tỷ lệ hộ nghèo của xóm giảm từ trên 20 hộ năm 2014 còn 8 hộ như hiện nay. Anh Bùi Văn Cường, hộ dân được hỗ trợ mô hình chăn nuôi thỏ ở xóm Tổ chia sẻ: Năm 2017, gia đình tôi được Quỹ SGF hỗ trợ xây dựng chuồng trại kiên cố với diện tích 400m2 và vay 72 triệu đồng để đầu tư chăn nuôi 240 con thỏ. Chỉ sau gần 1 năm, mô hình đã đem lại doanh thu cả trăm triệu đồng và tăng dần trong các năm sau đó. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, năm 2019, gia đình đã chuyển đổi sang chăn nuôi 2.000 con gà và hiện đang duy trì chăm sóc tốt đàn gà.

Cùng với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thì việc liên kết giữa các hộ dân để hình thành hợp tác xã (HTX) cũng được quan tâm thực hiện. Hiện nay, xóm Phú Ninh và xóm Tổ có 4 HTX, trong đó, 3 HTX đang hoạt động hiệu quả. Bên cạnh đó, Quỹ SGF còn tài trợ nhiều trang thiết bị phục vụ sản xuất như: Máy bơm, máy cày, kho bảo quản nông sản, máy chế biến chè...

Đồng thời, Quỹ SGF cũng dành nguồn kinh phí không nhỏ để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại 2 mô hình làng Saemaul trên, gồm: Bê tông hóa đường nội xóm cùng hệ thống chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời trên các tuyến đường; hỗ trợ thùng đựng rác, nơi tập kết rác thải; công trình nước sạch và nhà văn hóa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, hội họp của người dân...

Đánh giá về mô hình làng nông thôn mới Saemaul, ông Ma Đình Dũng, Trưởng phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Định Hóa nói: Để chương trình phát huy tối đa hiệu quả, ngành chức năng của địa phương đã phối hợp với Quỹ SGF tổ chức nhiều cuộc tuyên truyền, vận động người dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị kinh tế. Nhờ vậy, người dân tại 2 xóm Phú Ninh và Tổ đã có nhiều thay đổi trong nhận thức cũng như hành động.

Qua đó, diện mạo làng quê có sự thay đổi rõ rệt, đường giao thông được nối liền giữa các thôn, xóm lân cận, ban đêm có đèn đường chiếu sáng bảo đảm an ninh trật tự, người dân có ý thức về bảo vệ môi trường và xây dựng đường làng, ngõ xóm xanh - sạch - đẹp... Đặc biệt, người dân trong các làng Saemaul luôn đoàn kết trong sinh hoạt và giúp đỡ nhau phát triển kinh tế nên cuộc sống ngày càng được nâng cao cả về vật chất lẫn tinh thần.