Trong những năm qua, từ nguồn vốn của nhiều chương trình, dự án, tỉnh Thái Nguyên đã ưu tiên xây dựng các công trình nước sinh hoạt tập trung cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS-MN). Tuy nhiên, đến nay, nhiều hộ đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có nguồn nước sinh hoạt ổn định, hợp vệ sinh.
Từ các nguồn vốn của Chương trình 135; Quyết định 755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; Quyết định 2085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS-MN giai đoạn 2017-2020; Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất và đời sống các xóm, bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống của tỉnh đến năm 2020” của UBND tỉnh (Đề án 2037)... các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã ưu tiên đầu tư xây dựng công trình cấp nước, hỗ trợ dụng cụ chứa nước, dây dẫn cho người dân vùng DTTS-MN. Đến nay, toàn tỉnh có 197 công trình nước sinh hoạt tập trung và hàng nghìn hộ đồng bào DTTS được hỗ trợ téc nước, dây dẫn nước về tận nhà. Nỗ lực này đã tạo điều kiện cho đồng bào DTTS được sử dụng nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh, góp phần cải thiện chất lượng sống cho người dân ở vùng sâu, vùng xa.
Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định, song, những hỗ trợ này mới chỉ giải quyết đươc một phần thực trạng thiếu nước trong sinh hoạt của đồng bào DTTS-MN. Trên địa bàn tỉnh vẫn còn không ít các xóm, bản vùng sâu, vùng xa hiện đang thiếu nước hoặc phải sử dụng nguồn nước không đảm bảo vệ sinh.
Đơn cử như tại xóm Khuôn Ngục, xóm đặc biệt khó khăn duy nhất của xã La Hiên (Võ Nhai). Để có nước sinh hoạt, bà con nơi đây phải lắp đặt dây dẫn nước từ các khe suối, khe đá về để dùng, có hộ phải kéo đường dây dài gần 3km. Vậy nhưng, người dân vẫn phải sống trong cảnh thường xuyên thiếu nước sinh hoạt. Ông Lương Đình Hướng, Trưởng xóm Khuôn Ngục chia sẻ: Vào thời điểm từ tháng 11 đến tháng 2 Âm lịch, các khe suối, khe đá cạn, bà con thường xuyên không đủ nước dùng cho sinh hoạt hằng ngày.
Cũng giống như ở xóm Khuôn Ngục, trên 300 hộ đồng bào DTTS tại các xóm Làng Lai, Làng Giai, Đồng Dong và Cây Thị của xã La Hiên cũng thường xuyên lâm vào cảnh thiếu nước sinh hoạt. Ông Tầm Văn Cử, Chủ tịch UBND xã La Hiên cho biết: Trước đó, Nhà nước đã đầu tư xây dựng công trình nước sinh hoạt tại các xóm Đồng Dong, Làng Lai và Làng Gai. Tuy nhiên, theo thời gian, công trình nước sinh hoạt tại xóm Đồng Dong đã xuống cấp, không còn sử dụng được. Công trình tại 2 xóm còn lại có quy mô nhỏ nên không thể cung cấp nước cho toàn bộ các hộ dân trong xóm. Đối với Khuôn Ngục và Cây Thị, 2 xóm này chưa từng được hỗ trợ xây dựng các công trình nước sinh hoạt tập trung.
Theo kết quả rà soát mới đây của huyện Võ Nhai, trên địa bàn hiện có gần 5.000 hộ đồng bào DTTS ở 89 xóm có mong muốn được xây dựng, sửa chữa công trình nước sinh hoạt tập trung. Chủ yếu ở các xã vùng sâu, vùng xa như: Thượng Nung, Tràng Xá, Vũ Chấn, Dân Tiến, Sảng Mộc. Còn tại huyện Đồng Hỷ, trên 1.500 hộ đồng bào DTTS tại 12 xóm ở các xã Văn Lăng, Hợp Tiến... mong muốn được xây dựng các công trình nước sinh hoạt tập trung.
Ông Hoàng Hồng Nhật, Chủ tịch UBND xã Tân Long (Đồng Hỷ) nói: Trên địa bàn xã có 3 công trình nước sinh hoạt tập trung nằm tại xóm Mỏ Ba, Lân Quan và Làng Mới. Tuy nhiên, hiện chỉ còn công trình tại Mỏ Ba và Lân Quan còn hoạt động và đang cung cấp nước sinh hoạt cho khoảng 50% hộ dân của 2 xóm. Riêng công trình nước tự chảy tại xóm Làng Mới, cung cấp nước cho 585 hộ dân ở 3 xóm Làng Mới, Ba Đình, Đồng Mẫu do đã xuống cấp từ lâu nên không sử dụng được.
Có thể thấy, việc đầu tư xây dựng các công trình nước sinh hoạt tập trung ở vùng DTTS-MN sẽ góp phần rất lớn trong việc đáp ứng nhu cầu sử dụng nước phục vụ sinh hoạt của đồng bào. Tuy nhiên, để đầu tư các công trình này cần nguồn vốn không nhỏ. Trong khi nguồn kinh phí của các huyện miền núi, vùng cao để bố trí cho các công trình còn hạn chế. Việc huy động đóng góp của nhân dân rất khó thực hiện bởi điều kiện đời sống đồng bào DTTS-MN còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao.
Trước nhu cầu bức thiết của người dân, thiết nghĩ, tỉnh cần có phương án đánh giá hiện trạng và ưu tiên đầu tư xây dựng, sửa chữa các công trình nước sinh hoạt tập trung. Từ đó, giúp đồng bào DTTS-MN được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.