Trong những năm qua, công nghiệp phát triển đã kéo theo sự chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu lao động trong trên địa bàn tỉnh. Nhiều thanh niên dân tộc thiểu số (DTTS) trong độ tuổi lao động đã mạnh dạn rời bản đi làm công nhân tại các công ty, nhà máy trong và ngoài tỉnh. Điều này không chỉ góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nhiều gia đình đồng bào DTTS mà còn tác động tích cực đến công tác giảm nghèo của các xã vùng DTTS và miền núi (MN).
Cả gia đình 4 nhân khẩu chỉ trông vào hơn 1 sào ruộng, để có tiền trang trải cuộc sống gia đình và nuôi các con ăn học, vợ chồng chị Đào Thị Thía, dân tộc Mông, xóm Quế Linh, xã Bảo Linh (Định Hoá) phải đi khai thác gỗ thuê, ai thuê gì làm nấy nên thu nhập bấp bênh vì thế gia đình luôn thuộc diện hộ nghèo.
Nỗ lực tìm hướng thoát nghèo, đầu năm 2020, nhận thấy nhiều thanh niên trong xã đi làm tại các công ty, nhà máy có thu nhập ổn định, chị Thía đã quyết định xin làm công nhân tại Công ty TNHH Glonics Việt Nam tại T.P Thái Nguyên. Chị Thía phấn khởi cho biết: Hiện nay, thu nhập trung bình mỗi tháng của tôi từ 6-8 triệu đồng, nhờ đó, gia tôi không những thoát được nghèo mà còn có tiền để sửa chữa nhà cửa, đầu tư phát triển mô hình kinh tế rừng, ao, chuồng tại địa phương.
Cũng như chị Thía, cách đây hơn 1 năm, chị Ma Thị Giang, dân tộc Tày, xóm La Hấu, xã Nghinh Tường (Võ Nhai) đã quyết định xin đi làm công nhân may tại Nhà máy TNG Võ Nhai (Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG). Chị Giang chia sẻ: Trước đây, tôi chỉ quanh quẩn với nương rẫy, làm quần quật suốt ngay nhưng chúng chẳng đủ trải cho cuộc sống gia đình.
Năm 2020, biết được thông tin Nhà máy TNG Võ Nhai tại xã La Hiên tuyển công nhân may, tôi cùng với 9 chị em khác trong xóm đã nộp hồ sơ xin vào làm công nhân may. Tôi đã có được việc làm ổn định và thu nhập mỗi tháng tôi cũng được từ 3-4 triệu đồng. Nhờ đó tôi đã có điều kiện để nuôi con cái ăn học và mua sắm các trang thiết bị trong gia đình.
Không chỉ có chị Thía, chị Giang mà ở xóm vùng cao trên địa bàn tỉnh chuyện thanh niên trong độ tuổi lao động xuống núi làm công nhân tại các công ty, nhà máy mấy năm trở lại đây diễn ra mạnh mẽ. Nhiều xã vùng DTTS và MN lao động đi làm công nhân trong và ngoài tỉnh lên đến hàng nghìn người mỗi năm.
Không chỉ góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho các hộ đồng bào DTTS mà còn tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác giảm nghèo tại khu vực các xã vùng đặc biệt khó khăn. Đầu năm 2016, số hộ nghèo ở các xã này còn gần 20.000 hộ, đến nay đã giảm xuống còn 6.980 hộ, bình quân mỗi năm 4,5%, vượt mục tiêu đề ra khi xây dựng kế hoạch hành động thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 là giảm bình quân 3,5% mỗi năm.
Đơn cử như tại xã Tràng Xá (Võ Nhai), nếu đầu năm 2016 xã có 727 hộ nghèo và gần 300 hộ cận nghèo thì đến cuối năm 2020 giảm xuống chỉ còn 193 hộ nghèo và 461 hộ cận nghèo. Trong đó, có khoảng 40% số hộ thoát nghèo do có người đi làm tại các công ty, nhà máy.
Bà Chu Thị Lệ Hiền, Chủ tịch UBND xã Tràng Xá cho biết: Để có được kết quả trên ngoài việc vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; triển khai các mô hình giảm nghèo thì có sự đóng góp không nhỏ từ việc người dân trong độ tuổi lao động trên địa bàn xã đi làm công nhân trong và ngoài tỉnh. Mỗi năm, trên địa xã có trên dưới 1.000 lao động làm việc tại công ty, nhà máy. Cũng như xã Tràng Xá, trung bình mỗi năm trên địa bàn xã Hợp Tiến (Đồng Hỷ) có khoảng trên 600 lao động làm việc tại các công ty, nhà máy. Qua đó, đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã từ 666 hộ là hộ năm 2016 xuống còn 114 hộ cuối năm 2020.
Để có được kết quả trên, trong những năm qua, các ngành chức năng và các địa phương đã triển khai nhiều hoạt động nhằm giải quyết việc làm cho người dân như: Tổ chức các phiên giao dịch việc làm tại các nơi vùng sâu, vùng xa; đào tạo nghề lao động nông thôn; đề nghị các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ưu tiên tuyển dụng người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo là đồng bào DTTS.
Ngoài ra, tỉnh còn có chính sách hỗ trợ đào tạo nghề đối với các doanh nghiệp khi sử dụng lao động có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Thái Nguyên. Như trong giai đoạn 2013-2019, đã có 7.999 người được hỗ trợ đào tạo nghề tại Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG với tổng kinh phí trên 7.644 triệu đồng; giai đoạn 2015-2018 đã có 9.749 người được hỗ trợ đào tạo nghề và bố việc làm tại Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên với tổng kinh phí trên 4,8 triệu đồng....