Trở về từ quân ngũ, nhiều cựu chiến binh (CCB) đã nỗ lực vươn lên làm giàu, trở thành những doanh nhân tiêu biểu. Trong số này, nhiều người tuổi đã cao, có điều kiện sống an nhàn, tự tại bên gia đình nhưng họ vẫn dấn thân vào thương trường để thử thách bản thân và tiếp tục đóng góp cho xã hội.
Là thương binh mất 81% sức khỏe nhưng suốt 26 năm qua, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc, CCB Nguyễn Đức Điểm vẫn điều hành HTX vận tải ô tô Tân Phú (ở phường Phú Xá, T.P Thái Nguyên) hoạt động hiệu quả và không ngừng lớn mạnh. Sự bền bỉ, nỗ lực của ông Điểm khiến nhiều doanh nhân khỏe mạnh phải nể phục.
Trò chuyện với chúng tôi, ông kể: Năm 20 tuổi, tôi xung phong lên đường nhập ngũ vào mặt trận Đường 9 - Khe Sanh (tỉnh Quảng Trị) và tham gia chiến đấu trong những ngày bom đạn ác liệt nhất. Tuy may mắn sống sót trở về nhưng ông Điểm bị đạn pháo bắn làm mất cánh tay phải. Sau khi bị thương, năm 1979, ông chuyển ra miền Bắc điều trị được vài năm thì về hẳn quê nhà.
Trở về cuộc sống đời thường, ông Điểm bươn trải nhiều nghề để kiếm sống như may quần áo, kinh doanh máy khâu, xe máy... Sau 16 năm hoạt động và tích lũy được một số vốn nhất định, ông thành lập HTX vận tải ô tô Tân Phú vào năm 1995. Ban đầu, HTX chỉ có 7 thành viên với 1 xe ô tô vận tải. Với bản lĩnh và trí tuệ của mình, đến nay, ông điểm đã phát triển HTX lên 21 thành viên với 25 xe ô tô vận tải; 12 xe tải nâng hạ phục vụ các dự án xây dựng nhà máy, cầu đường. Doanh thu hàng năm của HTX đạt 2.000 tỷ đồng và bảo đảm việc làm ổn định cho 150 người lao động.
Bên cạnh ông Điểm, CCB Lê Đức Ân ở phường Phố Cò (T.P Sông Công cũng được biết đến là một trong những doanh nhân tiêu biểu của tỉnh. Sau hơn 20 năm phục vụ quân đội và nghỉ hưu vào năm 2010, CCB Lê Đức Ân tham gia đồng thành lập Công ty TNHH Ân Hường (chuyên cung cấp các sản phẩm gạch ốp lát).
CCB Lê Đức Ân phối hợp với Câu lạc bộ chia sẻ là hạnh phúc huyện Đại Từ gắn địa chỉ nhân đạo cho cháu Nông Thị Hương và Hoàng Văn Nhật ở xã Bản Ngoại.
Chỉ sau 5 năm đầu hoạt động, Công ty đã trở thành nhà phân phối của Tập đoàn Prime tại 3 tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn và Thái Nguyên, nằm trong tốp 10 cả nước về doanh số bán hàng. Ông Ân cũng được biết đến là doanh nhân giàu lòng nhân ái, tích cực ủng hộ các phong trào tại địa phương. Điển hình trong năm 2019-2020, ông đã ủng hộ 370 triệu đồng đổ bê tông các tuyến đường liên tổ dân phố; hỗ trợ trên 90 triệu đồng cho 2 trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo...
Còn đối với CCB Lê Mạnh Cường, sau khi bị thương trong cuộc chiến tranh biên giới Việt - Trung năm 1986, ông phục viên chuyển ngành về Sở Thương nghiệp và Du lịch tỉnh Bắc Thái (nay là Sở Công Thương). Sau 16 năm công tác, ông về hưu và thành lập DN tư nhân chuyên chế tạo thép tấm và gia công cơ khí máy móc thiết bị phục vụ cho ngành khai khoáng và giao thông dân dụng.
Thời điểm bấy giờ, DN của ông Cường gần như đi đầu trong sản xuất, chế tạo thép tấm. Nhờ tìm ra được hướng đi khác biệt, DN đã nhận được các đơn hàng sản xuất, chế tạo máy móc cho các đơn vị lớn như Tập đoàn An Khánh, Công ty CP Luyện kim Đen Thái Nguyên, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên...
Câu chuyện về các CCB trên chỉ là một trong số những tấm gương doanh nhân CCB đang nỗ lực phát triển kinh tế và tích cực cống hiến cho xã hội. Nói về các doanh nhân CCB, ông Hoàng Văn Trình, Chủ tịch Hội CCB tỉnh tự hào: Trở về với đời thường, các CCB vẫn phát huy bản chất Bộ đội Cụ Hồ, vươn lên trở thành chủ tịch hội đồng quản trị, giám đốc DN, HTX ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Nghị lực của họ đã tạo thành động lực cho nhiều CCB khác vươn lên trong cuộc sống, là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo...
Toàn tỉnh hiện có gần 100 DN, trên 10 HTX do CCB làm chủ. Các DN này đang giải quyết việc làm ổn định cho khoảng 2.000 người lao động với thu nhập từ 7-9 triệu đồng/người/tháng, đóng góp trên 2 tỷ đồng/năm ủng hộ các phong trào từ thiện, nhân đạo...