Đời thường của Mẹ

07:45, 01/05/2021

Nhiều năm sau ngày đất nước hoàn toàn độc lập, những vết thương chiến tranh đã và đang được lớp lớp thế hệ nỗ lực hàn gắn. Trải qua những mất mát không gì bù đắp được, ở tuổi xế chiều, những Mẹ Việt Nam Anh hùng trên địa bàn tỉnh đang sống vui vầy, thanh thản trong tình yêu thương, sự chăm sóc của con cháu.

Theo lời chỉ dẫn của lãnh đạo xã Tiên Phong (T.X Phổ Yên) tôi tìm đến thăm Mẹ Chu Thị Đỉnh, ở thôn Thù Lâm. Mẹ Chu Thị Đỉnh có 9 người con, trong đó con rể cả và 2 người con thứ là Tạ Văn Đủng và Tạ Văn Cõn đã anh dũng hy sinh tại chiến trường miền Nam và nước bạn Campuchia. Vượt qua đau thương mất mát, Mẹ tiếp tục gắng gượng để sống và nuôi dạy những người con còn lại. Có lẽ ít gia đình nào giữ được nếp truyền thống như ở nhà Mẹ Đỉnh khi có tới 5 thế hệ cùng chung sống.

 Ông Tạ Quang Tình, con trai thứ 4 của Mẹ năm nay đã 80 tuổi chia sẻ: Mẹ vẫn giữ thói quen ăn trầu, ngủ tốt mặc dù có sở thích uống nước chè nên ngày nào tôi cũng pha 2 lượt. Mỗi lần có khách tới thăm, ngồi trò chuyện cụ đều rất vui. Mấy năm nay, trí nhớ có phần giảm sút nên Mẹ không còn nhắc nhiều về các anh nhưng giữa 2 miền quên – nhớ, thi thoảng Mẹ vẫn hỏi “Thằng Đủng, thằng Cõn dạo này có viết thư về không?”.

Năm nay đã 102 tuổi nhưng Mẹ Chu Thị Đỉnh, ở thôn Thù Lâm, xã Tiên Phong (T.X Phổ Yên) sống vui vầy, thanh thản trong vòng tay yêu thương của con cháu.

Tuổi già thường thèm… nói chuyện, đó có lẽ cũng là tâm lý của Mẹ Trần Thị Ruẩn, ở thôn Bình Tiến, xã Bình Thành (Định Hóa). Chính vì vậy mà mỗi lần gặp các con ở Báo Thái Nguyên (đơn vị nhận phụng dưỡng suốt đời) thì Mẹ rôm rả hơn nhiều. Đã ngót nghét 100 tuổi nên những lời của Mẹ Ruẩn giờ cũng bảng lảng như sương khói, câu chuyện đôi khi không đầu không cuối khiến người nghe phải cố suy luận mới hiểu.

Mẹ kể có mấy cái bóng điện mới nên trong nhà sáng hơn; rồi chiếc ti vi to có nhiều chương trình ca nhạc để nghe, kể chuyện ăn sáng món gì, đi chơi nhà hàng xóm ra sao… Mẹ Ruẩn cũng có 9 người con, trong ba người con trai lên đường nhập ngũ thì có hai là anh Bùi Văn Ta và Bùi Văn Thắng mãi mãi không trở về. Để làm tròn chữ hiếu, con gái út là Bùi Thị Chín (sinh năm 1966) đã từ chối lấy chồng để ngày ngày chăm lo cho từng bữa cơm, giấc ngủ cho Mẹ.

Vậy nên căn nhà tình nghĩa Mẹ ở dù nhỏ nhưng luôn ngăn nắp, ấm cùng và đầy ắp tình yêu thương. “Anh Thắng hy sinh tại chiến trường phía Bắc, đã được quy tập về nghĩa trang Liệt sĩ của huyện. Còn anh Ta vẫn nằm đâu đó với cỏ cây, ruộng đồng. Đó cũng là điều khiến Mẹ luôn day dứt.” - chị Chín chia sẻ.

Thật khó để nói hết những cống hiến và hy sinh của các Mẹ Việt Nam Anh hùng cho Tổ quốc. Trong những ngày tháng Tư lịch sử, tôi có dịp gặp Mẹ Nguyễn Thị Cộng, ở tổ 7, phường Túc Duyên (T.P Thái Nguyên). Mẹ Cộng có chồng là Nguyễn Duy Bộ và con trai Nguyễn Duy Huyền là liệt sĩ.

 Trải qua quá nhiều đau thương, mất mát nhưng Mẹ vẫn gắng gượng để lao động sản xuất, nuôi dạy những người con còn lại. Ông Nguyễn Trường Tộ, người con hiện đang phụng dưỡng Mẹ bộc bạch: “Gia đình mới chuyển từ phường Phan Đình Phùng về Túc Duyên để có không gian rộng rãi hơn, các con cháu có điều kiện làm nhà quây quần bên Mẹ.”Đã qua rồi những ngày tháng phấp phỏng âu lo, giờ đây Mẹ Cộng được sưởi ấm bởi tình yêu thương của cháu con và sự quan tâm của các tổ chức, đoàn thể.

Chia tay các Mẹ, lòng tôi văng vẳng lời bài hát “Hát về Mẹ Việt Nam Anh hùng” của nhạc sĩ An Thuyên:

“Hát về những người Mẹ Việt Nam

Hát về những người Mẹ anh hùng.

Đời dâng hiến giống nòi

Mẹ sống giữa gian lao

Vì đất nước hy sinh cả cuộc đời…”

Lời hát như nói hộ lòng tri ân, kính trọng của thế hệ hôm nay đối các Mẹ, những người phụ nữ đã dành trọn cuộc đời mình cho Tổ quốc thiêng liêng. Và thật tự hào khi đất nước có những Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

Trong 2 cuộc kháng chiến của dân tộc, trong số 138.516 người con Thái Nguyên trực tiếp lên đường tham gia bảo vệ Tổ quốc, có 9.584 người đã anh dũng hy sinh và công nhận là Liệt sĩ. Toàn tỉnh có 579 bà mẹ được Đảng, Nhà nước phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng.