Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh hiện có 2.375 chi hội, trên 262.000 hội viên. Những năm qua, các cấp phụ nữ toàn tỉnh đã triển khai nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả nhằm thu hút đông đảo cán bộ, hội viên tham gia các phong trào thi đua yêu nước, đóng góp tích cực vào sự phát triển của tỉnh.
Giai đoạn 2015-2020, các cấp Hội phụ nữ đã vận động được trên 13 tỷ đồng để chăm lo tết cho hộ nghèo, gia đình chính sách, phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; vận động các đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm xây mới, sửa chữa 128 nhà “Mái ấm tình thương” cho phụ nữ nghèo... |
Chị Trần Kim Dung, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Hội đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ học tập, nghiên cứu các nội dung chuyên đề hàng năm gắn với nhiệm vụ công tác Hội và nhiệm vụ chính trị của địa phương. Đồng thời, chỉ đạo mỗi đơn vị cấp huyện và tương đương thành lập mới ít nhất 1 mô hình học tập và làm theo gương Bác hoạt động hiệu quả...
Đến nay, toàn tỉnh có trên 260 mô hình “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” ở các lĩnh vực bảo vệ môi trường, xây dựng tổ chức Hội, từ thiện… Trong đó có gần 100 mô hình thực hành tiết kiệm với các tên gọi như: “Nuôi lợn nhựa tiết kiệm”; “Hũ gạo tiết kiệm”; Câu lạc bộ (CLB) “Phụ nữ thực hành tiết kiệm chống lãng phí”; CLB Phụ nữ tiết kiệm điện, nước; mô hình “Thực hành tiết tiệm may áo dài đồng phục cho chị em phụ nữ”, “Mua cổ phiếu tiết kiệm giúp nhau làm kinh tế”…
Chị Nguyễn Thị Huyền Nga, Chi hội trưởng Chi hộiPhụ nữ tổ 7, phường Đồng Quang (T.P Thái Nguyên) chia sẻ: Từ năm 2017, chúng tôi đã vận động chị em trong tổ phân loại rác thải tại nguồn, sắp xếp những loại rác tái chế được như giấy, đồ nhựa… để bán. Số tiền thu được từ bán phế thải được bỏ vào nuôi lợn hằng tháng. Cuối năm, chúng tôi trích một phần số tiền tiết kiệm để thăm hỏi, hỗ trợ hội viên có hoàn cảnh khó khăn và tham gia các hoạt động từ thiện, nhân đạo.
Hội LHPN thành phố Thái Nguyên phối hợp với Thành Đoàn tổ chức chương trình “Tết yêu thương” tặng quà cho hội viên phụ nữ, người dân nghèo.
Bên cạnh đó, các cấp hội phụ nữ đã thực hiện chế độ làm việc đúng nguyên tắc, hội họp đúng giờ, rà soát bổ sung quy chế chi tiêu nội bộ đảm bảo tiết kiệm: Thực hiện khoán điện thoại, khoán văn phòng phẩm, giảm định mức khoán xăng xe ô tô, hạn chế văn bản giấy, xây dựng phòng họp trực tuyến để tiết kiệm kinh phí và nâng cao hiệu quả hoạt động; xây dựng nhóm tiết kiệm giúp cán bộ gặp khó khăn. Tại nhiều khu dân cư, chị em phụ nữ là lực lượng nòng cốt thực hiện tiết kiệm trong việc cưới, việc tang và lễ hội…
Bên cạnh việc tiết kiệm, với tinh thần “Tương thân tương ái”, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh thường xuyên quan tâm giúp đỡ phụ nữ nghèo có địa chỉ, đặc biệt những hộ nghèo do phụ nữ làm chủ, thông qua hoạt động tín chấp các nguồn vốn để hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ cây, con giống, ngày công lao động... Tính đến hết tháng 1-2021, tổng nguồn vốn do Hội LHPN quản lý là 3.128 tỷ đồng cho 75.821 người vay. Qua đó, giúp hội viên thêm nguồn lực đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Từ năm 2017 đến nay, đã có 2.256 lượt hộ nghèo do phụ nữ làm chủ được Hội giúp đỡ thoát nghèo.
Cùng với đó, các cấp hội phụ nữ đã vận động hội viên tích cực tham gia hoạt động an sinh xã hội, nhất là công tác từ thiện, nhân đạo. Chỉ tính riêng năm 2020, Hội LHPN tỉnh đã vận động ủng hộ đồng bào miền Trung khắc phục hậu quả lũ lụt gần 100 triệu đồng gồm quà và tiền mặt; tổ chức 2 đợt cao điểm hỗ trợ hội viên phụ nữ và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 với tổng giá trị gần 2,3 tỷ đồng.
Có thể nói, những mô hình học và làm theo Bác đã khơi dậy tinh thần thi đua học tập, lao động sáng tạo, đoàn kết, nhân ái của phụ nữ. Đồng thời tạo chuyển biến trong tu dưỡng, rèn luyện đạo đức theo các chuẩn mực “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” của phụ nữ Việt Nam hiện đại. Từ đó xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.