“Hành động vì thiên nhiên – Trách nhiệm của chúng ta!”

08:23, 05/06/2021

Đây là một trong những thông điệp, khẩu hiệu tuyên truyền nổi bật về Ngày Môi trường thế giới (5-6) năm nay. Với chủ đề “Phục hồi hệ sinh thái”, Ngày Môi trường thế giới năm nay được Liên hợp quốc lựa chọn để bắt đầu cho một thập kỷ ngăn chặn và đảo ngược sự suy thoái của các hệ sinh thái, góp phần thức tỉnh nhân loại trước những vấn đề môi trường đã, đang và sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống.

Hệ sinh thái đóng vai trò vô cùng quan trọng với cuộc sống của con người, mang lại những lợi ích vô giá như ổn định khí hậu, cung cấp oxy, nguồn nước, thức ăn, là nơi cư trú của các loài động, thực vật hoang dã… Tuy nhiên, các hệ sinh thái đang có tốc độ suy thoái nhanh nhất trong lịch sử khi phải đối mặt với những mối đe dọa lớn, chủ yếu do chính con người gây ra. Trước thực trạng rất đáng báo động này, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã ra tuyên bố giai đoạn 2021-2030 là “Thập kỷ về phục hồi hệ sinh thái” nhằm chống lại cuộc khủng hoảng khí hậu, tăng cường an ninh lương thực, nguồn nước và đa dạng sinh học...
 
Ở phạm vi địa phương – tỉnh Thái Nguyên mới đây đã ban hành Đề án Tăng cường quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường giai đoạn 2021-2025. Đây là một trong những đề án được ưu tiên xây dựng sớm nhất cho giai đoạn mới, thể hiện sự quan tâm của tỉnh đối với công tác bảo vệ môi trường (BVMT) trong bối cảnh công nghiệp, chăn nuôi đang phát triển mạnh, nguồn phát thải và các nguy cơ gây ô nhiễm môi trường gia tăng. Nhìn lại những năm qua, công tác BVMT đã có nhiều chuyển biến tích cực với những “điểm sáng” dễ nhận thấy như: Các tổ tự quản BVMT được thành lập ở nhiều khu dân cư; tỷ lệ rác thải sinh hoạt được thu gom, xử lý tăng lên từng ngày; 100% cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đã được xử lý; chất lượng môi trường ở khu vực nông thôn từng bước được cải thiện; các nguồn phát thải, khí thải trong sản xuất công nghiệp được kiểm soát; tốc độ gia tăng ô nhiễm nguồn nước sông Cầu, sông Công cơ bản được kiềm chế và ở một số khu vực đang có chiều hướng được cải thiện; rác thải y tế cơ bản được xử lý; tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn không ngừng tăng (hiện đạt trên 53%)… Cùng với trách nhiệm và sự quan tâm của các cấp, ngành thì ý thức BVMT của người dân được nâng lên là yếu tố rất quan trọng đem lại kết quả đó.
 Tỷ lệ rác thải công nghiệp trên địa bàn tỉnh được thu gom, xử lý ngày càng tăng, công nghệ xử lý đang được chuyển đổi từ chôn lấp sang tái chế và đốt công nghiệp. Trong ảnh: Lò đốt rác thải sinh hoạt tại thị trấn Đình Cả (Võ Nhai).
 
Tuy nhiên, công tác BVMT của tỉnh còn nhiều tồn tại, hạn chế với không ít “điểm nóng” cần sớm được giải quyết. Kết quả Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (Chỉ số PAPI) năm 2020 của Thái Nguyên vừa được công bố mới đây cũng cho thấy rõ thực trạng này. Trong khi 7/8 chỉ số thành phần của tỉnh tăng điểm rất mạnh và chủ yếu nằm trong nhóm cao thì riêng chỉ số quản trị môi trường nằm ở nhóm thấp nhất. Bà Hoàng Thị Liên, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Với quan điểm bảo vệ môi trường là nền tảng của sự phát triển bền vững, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, Đề án đã nêu ra một loạt giải pháp, mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể nhằm ngăn chặn sự suy thoái và cải thiện môi trường. Trong đó, công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của người dân và cả cộng đồng về BVMT là giải pháp quan trọng hàng đầu.
 
Tại Thái Nguyên, Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa – Phượng Hoàng (diện tích trên 19.000ha thuộc địa phận huyện Võ Nhai) có hệ sinh thái rừng trên núi đá vôi độc đáo, tính đa dạng sinh học cao với nhiều nguồn gen quý hiếm (trên 160 họ thực vật với khoảng 1.100 loài và 295 loài động vật). Khác với nhiều khu bảo tồn thiên nhiên khác, nơi đây cũng là địa bàn sinh sống của hàng nghìn hộ dân chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số. Trình độ dân trí còn hạn chế, thiếu đất canh tác và đời sống của bà con còn khó khăn đã tạo áp lực rất lớn lên công tác bảo vệ rừng, đa dạng sinh học và phục hồi hệ sinh thái ở đây. Ông Nguyễn Văn Tuyên, Phó Giám đốc Ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh chia sẻ: Người dân sống rải rác trong Khu bảo tồn, nếu bà con không có ý thức chấp hành tốt thì không bảo vệ được rừng. Vì vậy, chúng tôi rất coi trọng việc tuyên truyền, vận động và tổ chức giao khoán bảo vệ rừng cho người dân. Các giải pháp đó đã mang lại hiệu quả rõ rệt, số vụ vi phạm các quy định về bảo vệ và phát triển rừng giảm qua từng năm, hệ sinh thái đang tiếp tục đà phục hồi.
 
Cùng với ý thức của người dân thì trách nhiệm của các chủ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp là yếu tố rất quan trọng trong BVMT, bởi đây thường là các cơ sở phát thải ô nhiễm nhiều. Đại diện Công ty TNHH Khai thác Chế biến Khoáng sản Núi Pháo thông tin: Chúng tôi xác định công tác BVMT luôn song hành cùng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Công ty đã đầu tư nhiều hạng mục BVMT hiện đại, đáp ứng tiêu chuẩn và quy định của pháp luật. Công tác cải tạo, phục hồi môi trường được Công ty coi trọng và là hoạt động thường xuyên, điển hình là Chương trình trồng cây năng lượng trên đất mỏ…
 
Môi trường sinh thái đang và dễ bị “tổn thương” trước những áp lực, tác động của con người và ảnh hưởng tiêu cực trở lại tới cuộc sống của con người. Điều này ngày càng thể hiện rõ nét trong cuộc sống và việc BVMT, chống biến đổi khí hậu, phục hồi hệ sinh thái đang trở thành vấn đề cấp thiết toàn cầu. Có nhiều giải pháp tích cực được đề ra nhưng yếu tố quan trọng nhất vẫn luôn là ý thức, trách nhiệm của từng người, từng tổ chức, cộng đồng với môi trường.