Giai đoạn 2016-2020, huyện Định Hoá có 10 xã thuộc khu vực III (xã 135); 13 xã thuộc khu vực II và 227 xóm đặc biệt khó khăn (ĐBKK).
Trong những năm qua, huyện đã lồng ghép có hiệu quả nguồn vốn từ các chương trình, dự án của Trung ương, địa phương, đẩy nhanh tiến độ công tác giảm nghèo ở các xã, xóm ĐBKK. Nhờ đó, đến nay huyện chỉ còn 3 xã thuộc khu vực III, 10 xã thuộc khu vực II và 21 xóm đặc biệt khó khăn.
Các địa phương trên địa bàn huyện Định Hoá đã có những giải pháp, cách làm cụ thể, hiệu quả nhằm giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo. Đơn cử như xã Phú Tiến, 1 trong 10 xã 135 của huyện giai đoạn 2016-2020. Hiện xã có 879 hộ với 3.317 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 75%. Đầu năm 2016, xã vẫn còn trên 65% hộ nghèo và cận nghèo.
Xác định công tác giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ quan trọng, ngay từ đầu giai đoạn, xã Phú Tiến đã tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đưa các giống cây, con có năng suất, giá trị cao vào canh tác, chăn nuôi; áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; nhân rộng các mô hình giảm nghèo...
Ông Ngô Tuấn Sơn, Chủ tịch UBND xã Phú Tiến cho biết: Trung bình mỗi năm, địa phương được hỗ trợ 1,3 tỷ đồng từ Chương trình 135. Xã đã lồng ghép với các nguồn lực khác để đầu tư xây dựng 1 cây cầu và 3 tuyến đường với tổng chiều dài 3km tại các xóm ĐBKK, hỗ trợ máy móc, nông cụ và trâu, bò sinh sản cho hộ nghèo. Đồng thời, xã cũng tích cực trong giải quyết việc làm tại chỗ cho nhiều người bằng việc tuyên truyền, vận động 30 xưởng sản xuất gỗ nhận những lao động thuộc diện hộ nghèo, cần nghèo vào làm, giải quyết việc làm thường xuyên cho 100 lao động...
Những cách làm đó đã góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo của xã Phú Tiến giảm mạnh qua từng năm, đến cuối năm 2020 xã chỉ còn 7,59% hộ nghèo, 10,24% hộ cận nghèo và thu nhập bình quân đầu người đạt gần 40 triệu đồng/người/năm. Xã cũng đã ra khỏi diện 135.
Mặc dù năm 2015 Phượng Tiến được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nhưng trong giai đoạn 2016-2020 xã này vẫn còn 9/15 xóm (Pải, Pa Trò, Pa Goải, Na Què, Na Liền, Đình, Phỉnh, Tổ, Mấu) thuộc diện ĐBKK. Ông Hoàng Văn Anh, Chủ tịch UBND xã Phượng Tiến chia sẻ: Kinh tế của người dân tại những xóm trên còn gặp nhiều khó khăn, thu nhập của bà con phụ thuộc vào cây chè, cây lúa và đan mành cọ. Nhưng diện tích chè chủ yếu là chè trung du, giá trị kinh tế không cao, các sản phẩm từ mành cọ lại thiếu đầu ra ổn định nên người dân cũng bỏ dần. Do đó, xã đã tích cực vận động người dân chuyển đổi diện tích trồng chè, cọ kém hiệu quả sang trồng keo, quế đạt trên 77ha; phát triển mô hình cấy lúa kết hợp nuôi cá ruộng... Nhờ đó, đến nay tỷ lệ hộ nghèo ở các xóm ĐBKK giảm xuống còn dưới 10% và các xóm đều đã ra khỏi diện ĐBKK.
Có thể nói, việc triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã mang lại những thay đổi lớn, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của Định Hóa xuống còn 6,45% năm 2020 (năm 2016 là 27,62%).
Ông Lý Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Định Hoá chia sẻ: Nhằm đưa các xã, xóm ra khỏi diện ĐBKK giai đoạn 2021-2025, thời gian tới huyện sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả chiến lược và chương trình hành động thực hiện công tác dân tộc đến năm 2030; huy động và lồng ghép các nguồn vốn đầu tư trên địa bàn, ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, vùng An toàn khu; tập trung thực hiện tốt công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số...