Để triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, ngay khi có chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Lao động - TBXH, UBND tỉnh đã khẩn trương triển khai đến các cơ quan, ban, ngành, địa phương.
Mục tiêu tỉnh đặt ra là: Không bỏ sót đối tượng đang cần được hỗ trợ, kịp thời trợ giúp người dân, NLĐ, doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu những tác động tiêu cực của dịch bệnh.
Việc triển khai gói hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đợt 2 có nhiều điểm mới, một số thủ tục đã được lược giản, điều kiện để NLĐ, người sử dụng lao động tiếp cận chính sách cũng dễ dàng hơn. Cụ thể như việc NLĐ tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội không phải làm một số thủ tục hành chính; về miễn, giảm toàn bộ quỹ an toàn lao động, doanh nghiệp chỉ cần gửi văn bản đến cơ quan bảo hiểm xin nhận hỗ trợ…
Theo đó, NLĐ làm việc trong doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 được nhận từ 1,5 đến 3,71 triệu đồng/người. Còn NLĐ tự do được hỗ trợ ít nhất là 1,5 triệu đồng/người. Mỗi đối tượng chỉ được hưởng một lần trong một chính sách hỗ trợ...
Điều kiện cho đối tượng nhận hỗ trợ được giảm thời gian tạm hoãn, nghỉ việc không hưởng lương xuống còn 15 ngày; đối với hộ kinh doanh, bỏ quy định kê khai doanh thu thuế dưới 100 triệu đồng/năm, mà chỉ quy định dừng hoạt động từ 15 ngày trở lên; giảm điều kiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất từ 50% NLĐ xuống còn 15%, thời gian tạm dừng đóng là 6 tháng, dài hơn 3 tháng so với đợt hỗ trợ trước.
Và thay vì phải qua 2 cơ quan thì đợt này đối tượng được nhận hỗ trợ chỉ phải gửi hồ sơ đến một địa chỉ là bảo hiểm xã hội. Thời gian giải quyết hồ sơ giảm từ 25 ngày xuống còn 5 ngày, đặc biệt, hồ sơ được đơn giản hóa từ 3 thành phần xuống còn 1 thành phần; hệ thống mẫu biểu giảm khoảng 50% số thông tin phải kê khai. Giảm điều kiện vay trả lương ngừng việc, bỏ điều kiện chứng minh doanh thu tài chính của doanh nghiệp và giảm điều kiện ngừng việc xuống còn 15 ngày.
Nhiều thủ tục hỗ trợ doanh nghiệp đã được đơn giản hóa so với đợt hỗ trợ trước. Trong ảnh: 2 trạm trộn bê tông của Công ty CP Bê tông Bút Sơn HP hiện chỉ hoạt động gần 30% công suất do nhận được ít đơn hàng. Ảnh: Nguyên Ngọc
Thủ tục đối với người sử dụng lao động xin nhận hỗ trợ là có văn bản đề nghị và tự kê khai về doanh thu của quý liền kề trước thời điểm đề nghị hỗ trợ giảm từ 10% trở lên so với cùng kỳ năm 2019, hoặc năm 2020; gửi kèm theo phương án thay đổi cơ cấu hoặc công nghệ sản xuất, kinh doanh, hoặc phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề và duy trì việc làm cho NLĐ để gửi Sở Lao động - TBXH phê duyệt, và gửi Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh chi trả.
Trong đợt hỗ trợ này, Chính phủ quyết nghị thực hiện 12 chính sách hỗ trợ, bao gồm: Giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho NLĐ; hỗ trợ NLĐ bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; hỗ trợ NLĐ ngừng việc; hỗ trợ NLĐ bị chấm dứt hợp đồng lao động; hỗ trợ bổ sung và trẻ em; hỗ trợ tiền ăn cho các trường hợp điều trị COVID-19 (F0) và các trường hợp cách ly y tế tập trung (F1).
Hỗ trợ một lần (3,71 triệu đồng/người) đối với đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV trong các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động nghệ thuật biểu diễn (không bao gồm đơn vị trong lực lượng vũ trang); hỗ trợ cho hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế và phải dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên; người sử dụng lao động được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách Xã hội với lãi suất 0% và không phải thực hiện biện pháp bảo đảm tiền vay để trả lương ngừng việc đối với NLĐ đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngừng việc từ 15 ngày liên tục trở lên.
Lao động không có giao kết hợp đồng lao động và một số đối tượng đặc thù khác được căn cứ vào thực tế số ngày tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của địa phương, mức hỗ trợ không thấp hơn 1,5 triệu đồng/người/lần, hoặc 50 nghìn đồng/người/ngày.
Để kịp thời hỗ trợ các đối tượng theo quy định, hiện các cấp, ngành chức năng của tỉnh đang tích cực tuyên truyền, phổ biến rộng rãi chính sách đến NLĐ, người sử dụng lao động...; hướng dẫn cho người được thụ hưởng về thủ tục pháp lý cần thiết; chính sách hỗ trợ; mức hỗ trợ và thời gian làm thủ tục cũng như nhận hỗ trợ.
Cán bộ chuyên môn các sở, ban, ngành, đơn vị, các huyện, thành phố và thị xã đang khẩn trương rà soát, lập danh sách các đối tượng được thụ hưởng trình UBND tỉnh phê duyệt trong thời gian sớm nhất. Từ đó bảo đảm nguyên tắc kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch trong hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.