Người dân chơi diều, doanh nghiệp chịu thiệt hại

09:39, 21/07/2021

Từ đầu năm đến nay, không ít doanh nghiệp trên địa bàn T.X Phổ Yên phải chịu thiệt hại hàng chục tỷ đồng do gặp sự cố về điện sản xuất mà nguyên nhân đến từ việc người dân thả diều vướng mắc vào đường dây. Mặc dù, chính quyền địa phương và ngành Điện đã vào cuộc xử lý nhiều trường hợp, nhưng tình trạng này vẫn chưa được khắc phục.

Công ty TNHH Nhựa Châu Âu Xanh - EuroPipe (Tập đoàn AMACCAO) ở xã Thuận Thành là một trong số những “nạn nhân” của tình trạng người dân thả diều gây ra sự cố về điện sản xuất. Ông Nguyễn Văn Thiện, Phó Giám đốc kỹ thuật của Công ty cho biết: Để đáp ứng 18 dây chuyền sản xuất ống nhựa và 20 dây chuyền ép phụ kiện, Công ty cần nguồn điện lưới sản xuất thật sự ổn định. Dù vậy, trong thời gian qua, Công ty đã bị mất điện đột ngột trên 30 lần, chủ yếu đến từ việc người dân thả diều gây ra sự cố. Hậu quả, nhựa đang hóa dẻo trong quá trình sản xuất bị biến dạng tạo ra một lượng phế phẩm lớn.

Để khắc phục, Công ty phải chi vài trăm triệu đồng mua bổ sung nguyên liệu mới tái chế được lượng phế phẩm phát sinh. Ngoài ra, điện lưới sản xuất không ổn định cũng khiến nhiều máy móc bị hỏng, ảnh hưởng tới chi phí sản xuất và chất lượng sản phẩm. Thời gian tới, nếu chất lượng điện không được cải thiện thì chúng tôi buộc phải di chuyển một số dây chuyền sản xuất chính sang địa điểm khác.  

Thực trạng trên cũng là nỗi lo của nhiều doanh nghiệp khác trên địa bàn thị xã, ngay cả đối với tập đoàn lớn như Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam - Thái Nguyên cũng không ngoại lệ. Từ đầu năm đến nay, Công ty liên tiếp gửi 2 văn bản đến UBND tỉnh Thái Nguyên và Công ty Điện lực Thái Nguyên kiến nghị về việc xử lý các sự cố sụt điện áp tại khu vực của Công ty do diều mắc vào đường dây truyền tải điện. Những sự cố này không chỉ gây ra lỗi sản phẩm, hư hỏng thiết bị, gián đoạn sản xuất mà còn gây thiệt hại hàng triệu USD, gián tiếp ảnh hưởng tới niềm tin của khách hàng về sản phẩm của Tập đoàn Samsung.   

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay, tình trạng thả diều trên địa bàn thị xã diễn ra ngày càng phổ biến và trở thành thú chơi hằng ngày của một bộ phận người dân, nhất là vào dịp hè, tập trung ở các xã: Tiên Phong, Tân Hương, Vạn Phái, Tân Phú, Thuận Thành. Sở dĩ, việc thả diều gây ra nguy cơ mất an toàn lưới điện là do các khu dân cư, đô thị tại các xã, phường hình thành lên nhiều và gần công trình lưới điện. Cùng với đó, người dân thường thả các loại diều kích thước lớn (dài từ 8m, rộng 3-4m), có gắn sáo tạo âm thanh, sợi dây diều có bện sợi kim loại khiến nguy cơ mất an toàn lưới điện ngày càng gia tăng.

Ông Bùi Huy Phúc, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hương cho rằng: Xử lý các trường hợp vi phạm không đơn giản vì khi diều mắc vào đường dây điện gây sự cố thì khó xác định được chủ nhân của diều. Ngoài ra, khi lực lượng chức năng đi tuần tra thì người dân thông báo cho nhau không thả diều nữa, đợi khi đội tuần tra đi khỏi khu vực người dân lại tiếp tục thả diều. Điều này gây khó khăn cho quản lý, xử phạt vi phạm.

Còn ông Bùi Tuấn Thăng, Phó Giám đốc Điện lực T.X Phổ Yên đánh giá: Chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, trên địa bàn thị xã xảy ra hơn 23 vụ sự cố điện nguyên nhân do người dân thả diều gần đường dây (trong đó có 14 vụ sự cố kéo dài với tổng thời gian mất 745 phút). Khó khăn của ngành Điện là địa bàn quản lý rộng, khối lượng công việc lớn nên việc kiểm soát và phát hiện các trường hợp vi phạm chưa triệt để. 

Cùng với đó, nhiều địa phương chưa tích cực phối hợp tuyên truyền, nhắc nhở và xử lý các trường hợp vi phạm. Thời gian tới, Điện lực T.X Phổ Yên sẽ tăng cường kiểm tra, tuần tra; đồng thời kiến nghị tới các cấp chính quyền địa phương của thị xã và lực lượng chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về mối nguy hại và các quy định về thả diều, vật bay gần đường dây điện tới người dân; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm khi phát hiện...