Trước tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp (DN) trong các khu công nghiệp (KCN) của tỉnh đang phải đối mặt với khó khăn trong tuyển dụng người lao động (NLĐ).
Tuy vậy, bên cạnh những DN “khát” NLĐ thì một số DN lại phải cắt giảm nhân lực. Điều này dẫn đến biến động không nhỏ về nguồn lao động, đòi hỏi các DN phải tìm cách thích ứng với điều kiện sản xuất mới.
Hiện, Công ty TNHH Mani Hà Nội ở hai chi nhánh tại KCN Điềm Thụy (Phú Bình) và T.X Phổ Yên thiếu khoảng 400 lao động. Bà Tạ Thị Thanh, Trưởng phòng Nhân sự của Công ty cho biết: Do hoạt động sản xuất - kinh doanh của đơn vị từng bước phục hồi nên vào tháng 5 vừa qua, Ban Giám đốc đã tổ chức tuyển dụng mới lao động. Tuy nhiên, thời gian này lại phát hiện ca mắc COVID-19 ở xã Thành Công (T.X Phổ Yên) từng làm việc tại tại 3 DN trong KCN Điềm Thụy, vì thế, kế hoạch tuyển dụng phải lùi sang tháng 7. Song đến nay, chúng tôi cũng chưa tuyển được lao động nào.
Không chỉ những DN có nhu cầu tuyển dụng số lượng lớn mà DN chỉ cần tuyển khoảng 30 người như Công ty TNHH Bejsteel ở KCN Sông Công (T.P Sông Công) cũng chật vật.
Bà Trần Thị Vân, Trưởng phòng Nhân sự của Công ty chia sẻ: Chúng tôi chuyên gia công các sản phẩm công cơ khí của xe ô tô. Hiện, số lượng đơn hàng tăng cao nên Công ty có nhu cầu tuyển thêm 30 NLĐ. Tuy nhiên, dù đã đăng tải thông tin lên mạng xã hội (zalo, facebook), dán thông báo tuyển dụng ngoài cổng Công ty và một số địa điểm trong KCN nhưng nhiều tuần nay chúng tôi vẫn chưa nhận được hồ sơ ứng tuyển nào. Thiếu nhân lực, Công ty buộc phải cho NLĐ tăng ca, làm thêm ngày nghỉ để đáp ứng thời gian giao hàng cho các đối tác.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, bên cạnh các DN gặp khó khăn trong tuyển dụng NLĐ thì có nhiều DN lại cắt giảm nhân lực. Điều này đã khiến số lượng NLĐ làm việc tại các KCN bị thụt giảm so với cùng kỳ năm trước.
Theo Cục Thống kê, tính đến tháng 6-2021, số lao động làm việc trong các DN nói chung giảm 12% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm 15,76% so với cùng kỳ. Riêng Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam - Thái Nguyên giảm hơn 12.000 NLĐ so với cùng kỳ.
Sở dĩ các DN cắt giảm NLĐ là do dịch COVID-19 ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh; ngoài ra, NLĐ tại một số DN sinh sống ở vùng dịch không thể quay trở lại làm việc...
Đánh giá về tình hình lao động tại các DN, ông Bùi Tiến Đạt, Trưởng Phòng Thông tin thị trường việc làm, Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết: Mặc dù số lượng NLĐ của các DN trong quý II/2021 có giảm so với 3 tháng đầu năm nhưng nhiều DN vẫn đang trong cơn "khát" nguồn lao động phổ thông.
Cụ thể, trong quý II/2021, qua khảo sát của Trung tâm tại 270 DN thì các đơn vị có nhu cầu tuyển dụng trên 5.000 lao động. Tuy vậy, đến nay kế hoạch tuyển dụng của các DN này đều không đạt.
Nguyên nhân là dịch COVID-19 làm gián đoạn công tác tuyển dụng bởi DN không thể tổ chức các hội nghị tuyển dụng tập trung như trước; dừng tuyển dụng đối với lao động từ các tỉnh ngoài theo chỉ đạo của tỉnh. Trung tâm cũng không thể tổ chức các sàn giao dịch việc làm lưu động tại các KCN.
Bên cạnh đó, dịch COVID-19 đã khiến không ít NLĐ có tâm lý e ngại, chưa muốn đi làm tại các KCN, nhất là vừa qua trong KCN Điềm Thụy phát hiện có ca bệnh đến làm việc tại một số DN.
Ở một góc độ khác, nhiều NLĐ cho rằng mặt bằng thu nhập tại các vị trí việc làm trong KCN của tỉnh chưa thực sự hấp dẫn. Vì thế, một số NLĐ trong tỉnh đang có xu hướng dịch chuyển sang các tỉnh lân cận.
Anh Lưu Tuấn Anh, nhân viên của Công ty TNHH Shinsung C&T Vina ở KCN Điềm Thụy (Phú Bình) chia sẻ: Tôi được biết, mức thu nhập bình quân của NLĐ tại các KCN trong tỉnh hiện nay dao động từ 5-9 triệu đồng/người/tháng, tùy vào nhóm ngành nghề, thấp hơn từ 1-2 triệu đồng so với mặt bằng thu nhập tại các tỉnh lân cận như Vĩnh Phúc, Bắc Ninh...
Để tháo gỡ vấn đề trên, thời gian tới, Trung tâm Dịch vụ việc làm sẽ tăng cường các biện pháp kết nối cung cầu lao động giữa DN và NLĐ như: Tổ chức tuyển dụng lao động bằng các hình thức trực tuyến; phối hợp với các cấp chính quyền địa phương, cơ quan báo chí,truyền thông phổ biến, giới thiệu thông tin về thị trường lao động tới người dân; phối hợp, liên kết với các Trung tâm Dịch vụ việc làm khu vực phía Bắc tổ chức các sàn giao dịch trực tuyến để kích cầu việc làm đối với NLĐ...
Cùng với nỗ lực của đơn vị, Trung tâm cũng mong muốn các DN nghiên cứu, áp dụng các giải pháp kích cầu LĐ bằng chính sách tiền lương, phúc lợi lao động hấp dẫn; các sở, ban, ngành của tỉnh tiếp tục duy trì hiệu quả công tác phòng chống dịch - ông Bùi Tiến Đạt cho biết thêm.