Để khắc phục tình trạng lấn chiếm vỉa hè làm nơi kinh doanh, buôn bán, đỗ xe... gây mất mỹ quan đô thị và an toàn giao thông, T.P Thái Nguyên đang xây dựng phương án thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố, mục tiêu là lập lại trật tự, xây dựng đô thị văn minh.
Theo đó, đối tượng nộp phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố là các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng một phần lòng đường, lề đường, vỉa hè trên tuyến đường chính, trong khu đô thị và khu dân cư tập trung trên địa bàn vào các mục đích: Kinh doanh, trông giữ xe có thu phí, tập kết vật liệu xây dựng... trong phạm vi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép sử dụng.
Về lộ trình, thành phố sẽ thực hiện thí điểm thu phí giai đoạn 1 trong một năm tại 9 tuyến đường, như: Bến Oánh, Bến Tượng, Thanh Niên, Lê Quý Đôn; đường quy hoạch khu dân cư số 1, phường Tân Lập (giáp với Trung tâm thương mại Go! Thái Nguyên).... Sau khi tổng kết giai đoạn 1 sẽ triển khai trên toàn bộ các tuyến đường, các khu dân cư tập trung trên địa bàn.
Ông Nguyễn Hữu Quang, Đội trưởng Đội Quản lý trật tự Xây dựng và Giao thông T.P Thái Nguyên cho biết: Đội là đơn vị chịu trách nhiệm việc tổ chức thu phí; mức phí sử dụng tạm thời hè phố vào mục đích kinh doanh; giá dịch vụ trông giữ xe đạp, xe máy, ô tô... theo các văn bản quy định của UBND tỉnh.
Phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố sẽ nộp vào ngân sách thành phố 90%, 10% vào tài khoản của đơn vị tổ chức thu để chi trả cho các khoản liên quan, như: Sơn kẻ vạch; thuê khoán nhân công thu phí trực chốt. Với giá dịch vụ trông giữ các phương tiện, đơn vị tổ chức thu và nộp thuế theo quy định, đảm bảo bù đắp toàn bộ chi phí hợp lý để đầu tư và thực hiện trông giữ xe. Mức thu phí sẽ được niêm yết công khai tại các điểm thu và trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Cũng theo ông Quang, các tổ chức, cá nhân, gia đình có nhu cầu và ký kết hợp đồng sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố phải có trách nhiệm phối hợp với lực lượng chức năng đảm bảo an toàn giao thông, mỹ quan đô thị. Không được tự ý sử dụng ngoài ranh giới cho phép, không vi phạm các quy định về kết cấu hạ tầng giao thông, an ninh trật tự...
Đường Bến Tượng sẽ được thí điểm thu phí sử dụng lòng đường, vỉa hè giai đoạn 1.
Để phương án có tính khả thi cao, T.P Thái Nguyên đã làm việc với UBND các xã, phường; tham khảo thêm ý kiến của người dân. Theo đó, đa phần bà con đều đồng tình.
Bà Lê Thị Hồng Liên, Chủ tịch UBND phường Quang Trung cho biết: Theo kế hoạch tổ chức thu phí tạm thời, giai đoạn 1, phường có 2 tuyến đường là: Ga, Lê Quý Đôn. Chúng tôi rất ủng hộ chủ trương này vì nếu thu phí đối với các tuyến đường có vỉa hè rộng sẽ tránh được tình trạng lấn chiếm, người dân cũng sẵn sàng đóng phí trả chỗ ngồi để được bán hàng. Thứ hai là thuận lợi cho công tác quản lý.
Còn chị Nguyễn Thị Lanh, một người bán rau, củ quả tại đường Bến Oánh nói: Trước đây, mỗi lần người dân đỗ xe mua hàng tôi đều nơm nớp lo bị “trật tự” đến xử phạt. Cứ mỗi đợt “trật tự” đi làm là cả người bán, người mua đều chạy tán loạn. Thực ra, nếu thành phố có chủ trương thu phí lòng đường, hè phố chúng tôi rất ủng hộ và sẵn sàng đóng phí để mưu sinh đúng luật pháp.
Đề xuất thu phí kinh doanh trên vỉa hè là cần thiết trong bối cảnh hiện nay nhằm giải quyết hài hòa lợi ích giữa trật tự kỷ cương trong quản lý đô thị và mưu sinh của nhiều người dân sử dụng vỉa hè làm nơi kiếm sống. Các tỉnh, thành phố trong cả nước cũng đã và đang thực hiện.
Điều người dân mong muốn là nếu triển khai chủ trương này, T.P Thái Nguyên sẽ thực hiện tốt việc quản lý nguồn thu công khai, minh bạch. Quan tâm đầu tư, nâng cấp đường, vỉa hè, cây xanh, không gian sinh hoạt công cộng cho người dân… ở các tuyến đường có thu phí vỉa hè, sau khi trừ chi phí quản lý để xây dựng đô thị ngày càng văn minh hơn.