“An toàn để sản xuất - Sản xuất phải an toàn”. Dẫu rằng ai cũng biết, nhưng điều không mong muốn vẫn xảy ra. Nhiều người vì một chút bất cẩn mà phải mang thương tật suốt đời, thậm chí mất đi mạng sống.
Theo số liệu tổng hợp của Hội đồng An toàn vệ sinh lao động tỉnh: Năm 2020 trên toàn tỉnh xảy ra 138 vụ tai nạn lao động (TNLĐ), làm 139 người bị TNLĐ, tăng 36 vụ và 34 người bị tai nạn so với năm 2019. Tai nạn đặc biệt nghiêm trọng 12 vụ, làm 12 người chết, tăng 2 vụ và 2 người chết so với năm 2019. Đối với khu vực không có quan hệ lao động đã xảy ra 12 vụ TNLĐ làm chết 10 người và 2 người bị thương nặng.
Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Phòng Chính sách Lao động (Sở Lao động TBXH): 71% vụ việc mất an toàn lao động (ATLĐ) là do người lao động và người sử dụng lao động chủ quan, vi phạm về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy phạm an toàn; không tuân thủ quy trình, chưa có biện pháp làm việc an toàn. Người sử dụng lao động chưa làm tốt công tác tự kiểm tra ATLĐ, không tổ chức đánh giá, kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại và nguy cơ rủi ro; không có thiết bị an toàn cho người lao động; không xây dựng quy trình, nội quy ATLĐ, không trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân. Trong khi người lao động chưa được huấn luyện hoặc được huấn luyện chưa đầy đủ về ATLĐ; không sử dụng đầy đủ phương tiện bảo hộ lao động… 29% số vụ việc TNLĐ còn lại do nguyên nhân khách quan, khó tránh.
Để tạo dựng môi trường lao động an toàn, một số đơn vị chủ động phối hợp cùng cơ quan chức năng tổ chức huấn luyện ATLĐ cho người lao động. Như năm 2020 vừa qua, trên toàn tỉnh có gần 107.000 người lao động được huấn luyện, đạt gần 50% so với tổng số lao động đang làm việc tại gần 4.000 doanh nghiệp.
Tại 10 cơ sở được Hội đồng An toàn Vệ sinh lao động tỉnh kiểm tra mới đây, cơ quan chức năng đã đưa ra 80 kiến nghị về chính sách pháp luật lao động, công tác ATLĐ, yêu cầu đơn vị chấn chỉnh khắc phục ngay những hạn chế thiếu sót. Tại 2 đơn vị đang thực hiện thi công công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh, Thanh Tra Sở Lao động - TBXH sau khi đến làm việc đã đưa ra 16 kiến nghị, đồng thời ban hành 1 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 22,5 triệu đồng.
Gần đây nhất, trong 6 tháng đầu năm 2021, Thanh tra Sở hoàn thành điều tra và kết luận 7 vụ TNLĐ, qua đó phát hiện vi phạm và ban hành 1 quyết định xử phạt vi phạm hành chính 1 đơn vị vi phạm, phạt 9 triệu đồng và hiện đang tiếp tục điều tra 9 vụ TNLĐ khác.
Để hạn chế tình trạng mất ATLĐ, người lao động cần chủ động nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, kỹ năng làm việc để tiếp cận với thiết bị công nghệ sản xuất mới. Ngoài đầu tư công nghệ máy móc hiện đại, doanh nghiệp nên coi trọng hơn công tác đào tạo, tập huấn, huấn luyện ATLĐ; đầu tư trang thiết bị làm việc an toàn cho người lao động. Đáp ứng yêu cầu an toàn trong sản xuất, nhất là ở thời đại hội nhập quốc tế, việc sản xuất an toàn đồng nghĩa với nâng cao chất lượng, thương hiệu sản phẩm.