Thực hiện Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), năm học 2020-2021, toàn quốc đã có khoảng hơn 18 triệu học sinh, sinh viên (HSSV) tham gia BHYT, đạt trên 97%, tăng 1,6% so với năm học 2019-2020; trong đó có hơn 14,5 triệu tham gia theo diện HSSV và 3,5 triệu tham gia theo nhóm khác.
Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, nhằm triển khai công tác BHYT HSSV năm học 2021-2022 đạt hiệu quả, phấn đấu đạt 100% HSSV tham gia BHYT, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam vừa ban hành các Công văn số 2396/BHXH-TST và 2392/BHXH-TT gửi BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (BHXH các tỉnh) chỉ đạo tập trung triển khai công tác BHYT HSSV năm học 2021-2022.
Tờ gấp “Những điều cần biết về BHYT học sinh, sinh viên” của ngành BHXH Việt Nam.
Nâng cao trách nhiệm trong phát triển BHYT HSSV
Theo đó, BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH các tỉnh chủ động triển khai một số nội dung sau:
Thứ nhất, tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố và cấp huyện ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện công tác BHYT HSSV năm học 2021-2022 trên địa bàn. Quan tâm huy động các nguồn lực hợp pháp để hỗ trợ thêm mức đóng BHYT cho HSSV, nhất là những HSSV có hoàn cảnh khó khăn, dân tộc ít người.
Thứ hai, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo hằng quý sơ kết, đánh giá và hướng dẫn triển khai công tác BHYT HSSV năm học 2021-2022. Trong đó: Giao chỉ tiêu cho từng cơ sở giáo dục, gắn kết quả việc hoàn thành chỉ tiêu HSSV tham gia BHYT của các nhà trường vào tiêu chí thi đua, khen thưởng hằng năm. Tăng cường tuyên truyền, vận động HSSV tham gia BHYT theo đúng quy định của Luật BHYT, tiếp tục hướng dẫn HSSV thực hiện cài đặt và sử dụng ứng dụng VssID - Bảo hiểm xã hội số.
Ngoài ra, BHXH các tỉnh cần chủ động phối hợp với các nhà trường hướng dẫn lập và gửi danh sách cấp thẻ BHYT HSSV theo hình thức giao dịch điện tử; phân công cán bộ kịp thời xét duyệt hồ sơ để cấp thẻ BHYT đối với HSSV đầu cấp và gia hạn giá trị sử dụng thẻ BHYT đối với các nhóm tham gia còn lại.
Thứ ba, BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố kịp thời xét duyệt và trích, chuyển kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu cho các cơ sở giáo dục, trung tâm giáo dục nghề nghiệp theo quy định.
Thứ tư, tổ chức đánh giá khen thưởng các cơ sở giáo dục và HSSV có thành tích xuất sắc trong công tác BHYT HSSV năm học 2021-2022.
Truyền thông bằng các hình thức linh hoạt, phù hợp
BHXH Việt Nam cũng yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố tích cực phối hợp với các sở, ngành, tổ chức hội - đoàn thể liên quan, cơ quan thông tấn, báo chí đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách BHYT HSSV năm học 2021-2022 tại địa phương.
Trong năm học này, cần tập trung triển khai các nội dung truyền thông như: Ý nghĩa, giá trị nhân văn, nhân đạo, tính chia sẻ cộng đồng của chính sách BHYT nói chung và BHYT HSSV nói riêng; thực hiện BHYT là tuân thủ pháp luật, là trách nhiệm công dân của mỗi HSSV; quỹ BHYT hỗ trợ y tế trường học thực hiện khám, chữa bệnh (KCB) trong chăm sóc sức khỏe ban đầu cho HSSV; quỹ BHYT thanh toán chi phí KCB trong giai đoạn dịch COVID-19 đối với người có thẻ BHYT theo quy định, trong đó có HSSV; BHYT HSSV được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng 30% và ngân sách địa phương hỗ trợ thêm (nếu có); ý nghĩa, tiện ích của ứng dụng VssID - Bảo hiểm xã hội số, đặc biệt là tính năng cho phép người tham gia (trong đó có HSSV) được sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng để KCB thay thế cho thẻ BHYT giấy.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biễn phức tạp, BHXH Việt Nam chỉ đạo BHXH các tỉnh phối hợp với các nhà trường tập trung phổ biến, truyền thông về công tác BHYT HSSV bằng các hình thức linh hoạt, phù hợp đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch, cụ thể như: Tuyên truyền trực tiếp (gặp gỡ trực tiếp hoặc tổ chức hội nghị…); tuyên truyền gián tiếp (gửi tin nhắn qua điện thoại, qua ứng dụng VssID, tương tác qua mạng xã hội Zalo, Facebook, hội nghị trực tuyến…); tuyên truyền trực quan (pano, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu, standee…); tổ chức các buổi livestream tuyên truyền về BHYT HSSV trước thềm năm học mới và định kỳ hằng tháng;…
Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam cũng chỉ đạo các cơ quan truyền thông, báo chí trong Ngành tăng cường truyền thông chính sách BHYT HSSV trên các kênh truyền thông của Ngành; tăng cường tuyến tin, bài, phóng sự, video, Inforgraphic về BHYT HSSV trên Cổng Thông tin điện tử, Tạp chí và Fanpage của Ngành; xây dựng, phát hành các sản phẩm truyền thông phù hợp và phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí tích cực tuyên truyền về chính sách BHYT HSSV;…
Bước vào năm học mới 2021-2022, trong bối cảnh dịch Covid-19 có thể còn diễn biến phức tạp, nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu 100% HSSV tham gia BHYT, đảm bảo tất cả HSSV được thụ hưởng đầy đủ quyền được chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, ngoài sự quyết tâm, nỗ lực của ngành BHXH Việt Nam rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan, nhất là ngành Giáo dục và Đào tạo./.