Trong những năm gần đây, huyện Định Hóa đã có bước đột phá trong công tác giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 27,62% (năm 2015) xuống còn 6,45% hiện nay. Kết quả này có được là nhờ một phần không nhỏ từ việc nhân rộng các mô hình giảm nghèo bền vững.
Phú Đình từng là một trong những xã khó khăn nhất huyện Định Hóa với tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 30% (năm 2015) nhưng đến nay chỉ còn 109 hộ (tương ứng 6,95%). Có được kết quả này là nhờ một phần không nhỏ từ những dự án, mô hình giảm nghèo được triển khai tại xã đã phát huy hiệu quả.
Xã đã thành lập được 5 làng nghề sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP tại 2 xóm Phú Ninh và Đồng Duyên, qua đó triển khai nhiều mô hình, dự án gắn với phát triển cây chè để người dân nâng cao thu nhập, ổn định đời sống.
Gia đình chị Bùi Thị Mai ở xóm Phú Ninh là một trong những hộ thoát nghèo nhờ trồng chè, chị Mai cho biết: Nhiều năm liền, kinh tế gia đình tôi chỉ dựa vào vài sào chè trung du là chính. Năm 2017, tôi vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để mở rộng và thay thế toàn bộ diện tích chè trung du sang chè cành. Đến nay, trung bình mỗi lứa, gia đình tôi thu hoạch khoảng 2 tạ chè khô cho thu về khoảng 30 triệu đồng nên đã thoát nghèo vào năm 2020.
Cùng hướng đi như gia đình chị Mai, hàng chục hộ dân tại 2 xóm Phú Ninh và Làng Duyên đã thoát nghèo nhờ trồng chè VietGAP.
Còn đối với xã Quy Kỳ, những mô hình giảm nghèo là cơ hội cho hàng trăm hộ nghèo đang loay hay chưa tìm ra hướng để phát triển kinh tế. Trong năm 2020 vừa qua, toàn xã có 56 hộ nghèo được hỗ trợ máy móc, nông cụ sản xuất, giống, thức ăn chăn nuôi, tập huấn khoa học kỹ thuật.
Qua đánh giá, 100% hộ đều tận dụng được nguồn hỗ trợ, hàng chục hộ đã bắt đầu mở rộng mô hình chăn nuôi, tiếp tục đầu tư sản xuất. Đến nay, toàn xã còn 187 hộ nghèo (chiếm 16,07%), tỷ lệ giảm nghèo hằng năm đạt trên 3,3% (chỉ tiêu là 2%/năm).
Ông Lưu Đức Hồng, Bí thư Đảng ủy xã Quy Kỳ cho biết: Để phát huy tốt các nguồn lực hỗ trợ, chúng tôi kiến nghị với cấp trên tập trung hỗ trợ vào các mô hình sản xuất phù hợp với đặc điểm của địa phương, như: Trồng rừng, sản xuất và chế biến lâm sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm... Ban đầu, các mô hình giảm nghèo được triển khai làm điểm tại một số gia đình, sau khi có hiệu quả kinh tế cao mới nhân rộng trên địa bàn.
Được biết, thông qua Dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo được triển khai từ năm 2016 đến 2020 đã có trên 4.000 hộ dân ở huyện Định Hóa được hưởng lợi, với tổng kinh phí thực hiện là trên 28 tỷ đồng.
Thông qua các mô hình giảm nghèo, người dân ngày càng tận dụng tốt hơn nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, thay đổi tư duy sản xuất… Dự kiến, trong giai đoạn 2021-2025, mỗi năm, huyện sẽ duy trì và nhân rộng từ 5 mô hình giảm nghèo trở lên.
Ông Lưu Hồng Khoa, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện cho biết: Trong giai đoạn 2021-2025, huyện Định Hóa sẽ tiếp tục bám sát với tình hình thực tế để triển khai những mô hình giảm nghèo phù hợp với từng địa phương, tập trung vào các mô hình mới và khả năng nhân rộng cao. Cùng với đó, huyện cũng sẽ thực hiện rà soát nguyên nhân dẫn đến nghèo của các hộ nghèo, hộ cận nghèo, xác định danh sách các hộ có khả năng thoát nghèo làm cơ sở để xây dựng kế hoạch, giải pháp, biện pháp hỗ trợ phù hợp…