Giải quyết việc làm qua vay vốn ưu đãi

09:12, 27/08/2021

Hơn 100.000 người được tạo việc làm mới; gần 8.000 người đi xuất khẩu lao động; hàng trăm lao động mở được cơ sở sản xuất, kinh doanh, xây dựng trang trại; gần 31.700 hộ thoát nghèo. Đó là những con số ấn tượng trong công tác giải quyết việc làm của tỉnh trong giai đoạn 5 năm 2016-2020. Trong đó, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) có đóng góp quan trọng thông qua Chương trình Hỗ trợ vay vốn, giải quyết việc làm.

Khi tìm hiểu về kết quả triển khai Chương trình Hỗ trợ vay vốn, giải quyết việc làm, tạo việc làm mới từ Quỹ Quốc gia trên địa bàn tỉnh, tôi chợt nhớ đến câu chuyện với bà Vũ Thị Hạnh ở xóm Tướng Quân, xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ). Bà kể: Từ 44 triệu đồng vốn vay giải quyết việc làm của Ngân hàng CSXH và tiền tích lũy của gia đình, năm 2018, tôi đầu tư chăn nuôi gà ở quy mô 8.000 con/lứa. Một năm xuất bán 3 lứa, trừ vốn liếng đầu tư, tôi còn lãi hơn 100 triệu đồng.

Bà Hạnh là 1 trong số gần 295.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo của tỉnh tiếp cận được với vốn vay giải quyết việc làm của Ngân hàng CSXH trong thời gian 10 năm gần đây.

Vốn vay ưu đãi đến tay người dân kịp thời được ví như một sự tiếp sức cho bao gia đình vượt được khó nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Chủ yếu ở các vùng nông thôn, đồng tiền vốn này giúp hộ nghèo, hộ khó khăn ổn định sản xuất.

Theo đó, nhiều mô hình kinh tế trang trại tổng hợp đã hình thành; các làng nghề truyền thống được khôi phục; khoảng cách giàu nghèo thu hẹp; tỷ lệ thất nghiệp giảm, các tiêu chí xây dựng nông thôn mới hoàn thành.

Số hộ nghèo giảm nhanh, trong thời gian từ năm 2011 đến năm 2020, toàn tỉnh có hơn 68.300 hộ thoát nghèo; trong đó giai đoạn 2011-2015, có hơn 36.600 hộ thoát nghèo; giai đoạn 2016-2020, có gần 31.700 hộ thoát nghèo; có 308 xóm ra khỏi diện đặc biệt khó khăn; 21 xã ra khỏi danh sách xã khu vực 3.

Vốn vay ưu đãi của Ngân hàng CSXH đã “phủ sóng” đến những nơi xa nhất, khó khăn nhất của tỉnh. Bà Nguyễn Thị Mùa, xóm Phú Nam 7, xã Phú Đô (Phú Lương) khoe: Gia đình tôi mới vay được 50 triệu đồng. Số tiền này tôi đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm cho nương chè. Tôi chắc chắn gia đình mình sẽ không bị tái nghèo.

Còn bà Hoàng Thị Tùng ở xóm Na Sàng, xã Phú Đô (Phú Lương), cho biết: Gia đình tôi có hơn 14ha đất trồng rừng, do thiếu vốn đầu tư nên mới đặt bầu cây giống được 7ha. Năm nay, nhờ Hội Liên hiệp Phụ nữ xã tín chấp giúp vay 50 triệu đồng, tôi sẽ dùng số tiền này mua giống keo về trồng trên toàn bộ diện tích còn lại.

Theo báo cáo của Ngân hàng CSXH tỉnh: 6 tháng đầu năm, đơn vị đạt doanh số cho vay gần 700 tỷ đồng. Đặc biệt, qua hoạt động ủy thác, đơn vị đã phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội quản lý gần 2.900 tổ tiết kiệm và vay vốn, với dư nợ trên 3.700 tỷ đồng.

Chúng tôi được biết thêm: Hiện Chương trình hỗ trợ vay vốn, giải quyết việc làm của Chính phủ có nhiều ưu đãi, phù hợp hơn so với các năm trước đây, mức vay tối đa 2 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh; mức vay tối đa 100 triệu đồng đối với người lao động; thời hạn vay vốn tối đa 120 tháng.

Nhằm bào đảm an toàn nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm, đội ngũ cán bộ Ngân hàng CSXH bám sát đời sống sản xuất trong nhân dân, cùng nông dân lên đồi, xuống ruộng, vào trang trại chăn nuôi… để tìm hiểu nguyện vọng, quyết tâm của người có nhu cầu vay vốn.

Từ đó tư vấn, định hướng cho người có nhu cầu vay vốn xây dựng phương án sản xuất phù hợp. Tiếp đến là các thủ tục hành chính như thẩm định, giải ngân được giải quyết nhanh gọn, thuận tiện, không gây phiền hà cho hộ vay vốn.

Nhiều lao động yếu thế, người khuyết tật đã tiếp cận được vốn vay từ Quỹ Quốc gia về việc làm để đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Bà Hứa Thị Châu Giang, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh cho biết: Trong thời gian 5 năm gần đây, các cấp hội đã tín chấp với Ngân hàng CSXH cho 71 lượt phụ nữ khuyết tật vay vốn phát triển kinh tế. Qua kiểm tra, hầu hết các gia đình hội viên khuyết tật đều sử dụng vốn vay đúng mục đích, đạt hiệu quả kinh tế.

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng vốn vay, tạo việc làm cho người lao động, Chương trình Hỗ trợ vốn vay, giải quyết việc làm tiếp tục được Ngân hàng CSXH tỉnh và Sở Lao động - TBXH phối hợp với các cấp, ngành liên quan tăng cường tuyên truyền, thực hiện lồng ghép hoạt động tín chấp nguồn vốn với các chương trình khuyến nông, khuyến công, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân. Giúp người lao động, đặc biệt là hộ nghèo có thêm tiềm lực vươn lên trong cuộc sống.