Dù cả nước đang phải trải qua đợt thứ 4 của dịch COVID-19 với diễn biến rất phức tạp song Thái Nguyên vẫn khá bình yên. Thế nhưng, những tác động tiêu cực của dịch bệnh lên đời sống xã hội vẫn rất rõ nét. Trong đó, cuộc sống mưu sinh của những lao động tự do trở nên chật vật hơn bao giờ hết.
Đã mấy tháng nay, cơ sở chăm sóc sắc đẹp của chị Nguyễn Thị Ngọc Mai, phường Túc Duyên, T.P Thái Nguyên phải dừng và hoạt động cầm chừng. Thông thường, dịch vụ hút khách hơn cả ở cơ sở của chị Mai là trang điểm. Nhưng hiện tại, đồ trang điểm như phấn, son, cọ… đều được chị cho vào tủ kính khóa lại.
Chị Mai chia sẻ: Tước đây, chỉ tính riêng dịch vụ make - up, dù không phải vào mùa cưới, bình quân mỗi ngày tôi cũng có dăm ba khách có nhu cầu make up để đi họp lớp, đi dự sự kiện hay đơn giản chỉ là họ muốn mình trông tươi tắn hơn khi ra ngoài ăn tối… Nguồn thu từ 70.000 đồng đến 100.000 đồng/khách cũng tạm đủ cho tôi trang trải nhu cầu sinh hoạt của gia đình hàng ngày. Nhưng kể từ khi dịch bùng phát đến nay, các hoạt động hội hè, các nhà hàng, quán xá cũng dừng hoạt động nên tôi gần như không có khách. Chỉ còn lác đác một vài khách sống cùng khu đến gội đầu. Vì thế, dù đã cắt giảm tối đa các sinh hoạt phí thì cuộc sống hiện tại vẫn rất khó khăn.
Cũng bởi những ảnh hưởng của dịch COVID-19, anh Lý Ngọc Nam, huấn luyện viên thể hình làm toàn thời gian cho một phòng tập gym trên địa bàn T.P Thái Nguyên cũng mất việc làm gần 4 tháng nay.
Anh Nam cho biết: 4 tháng nghỉ hoàn toàn đương nhiên chúng tôi không có lương. Trong khi tiền thuê nhà và sinh hoạt phí vẫn phải chi nên chút tích lũy cũng đã hết. Gần đây, tôi phải xin đi giao hàng cho mấy người bán đồ tự làm. Cố gắng lắm cũng chỉ có làm hôm nay, lo ngày mai thôi.
Nhiều cơ sở chăm sóc sắc đẹp, salon tóc và dịch vụ trang điểm trên địa bàn tỉnh bị vắng khách kéo dài kể cả khi không phải tạm ngừng hoạt động.
Mặc dù đã có nhà riêng, không phải lo tiền thuê nhà như anh Nam, nhưng những người làm nghề kinh doanh âm thanh, ánh sáng mà không có sẵn đủ vốn như anh Nguyễn Duy Hưng (phường Ba Hàng, T.X Phổ Yên) lại canh cánh một nỗi lo khác khi dịch bệnh tiếp tục kéo dài. Đó là khoản lãi hàng tháng phải trả cho số tiền hàng trăm triệu đồng vay ngân hàng để đầu tư nâng cấp trang thiết bị. Trong khi loa, đài, bàn trộn tiếng bị “đắp chiếu” không thể sinh lời. Chưa kể những rủi ro khác vì đồ điện tử để lâu không vận hành dễ gặp bị trục trặc thậm chí là chập, hỏng.
Khoản 12 mục II Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ “đối với người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác, quy định: Căn cứ điều kiện cụ thể và khả năng ngân sách của địa phương, các tỉnh xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng, mức tiền hỗ trợ nhưng không thấp hơn 1,5 triệu đồng/người/lần hoặc 50.000 đồng/người/ngày căn cứ vào thực tế số ngày tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của địa phương”. |
Chốc chốc lại phủi bụi bám trên mặt chiếc gương nhỏ, anh Lê Hồng Thanh, làm nghề cắt tóc ở phường Chùa Hang, T.P Thái Nguyên không giấu nổi thất vọng: Hơn chục năm cắt tóc ở đây, nhiều thì không có nhưng mỗi ngày trung bình tôi cũng kiếm được khoảng 400.000 - 500.000 đồng. Hầu hết khách đều đã quen, thế mà từ khi có dịch COVID-19, cả ngày ngồi “bạc mặt” kiếm được 150.000 - 200.000 đồng đã là may…
Muôn hình muôn vẻ những khó khăn mà người lao động tự do đã và đang gặp phải. Qua khảo sát của các cơ quan chuyên môn địa phương, số lao động tự do gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh khoảng 8.550 người, gồm lao động tự làm hoặc làm việc tại các cơ sở hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, quán bar, vũ trường, quán phục vụ đồ ăn uống vỉa hè, cơ sở kinh doanh trò chơi điện tử, khu vui chơi giải trí, rạp chiếu phim, xông hơi, massage, cơ sở chăm sóc sắc đẹp; các khu luyện tập thể thao…
Hiện UBND tỉnh đã giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Tài chính và các ngành, đơn vị có liên quan nghiên cứu, tham mưu việc thực hiện quy trình hỗ trợ các trường hợp người lao động không có giao kết hợp đồng lao động.