Xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, những năm qua, Đảng bộ xã Quang Sơn (Đồng Hỷ) đã tích cực lãnh đạo, chỉ đạo sát sao việc thực hiện các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội; tập trung mọi nguồn lực khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương nhằm góp phần nâng cao đời sống cho nhân dân và xây dựng nông thôn mới.
Quang Sơn vốn là xã khó khăn của huyện Đồng Hỷ với cơ sở hạ tầng chưa phát triển, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Trước thực trạng đó, hàng năm, Đảng ủy xã đã ban hành các nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế, trong đó đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
Ví dụ như trong sản xuất nông nghiệp, Đảng ủy chỉ đạo UBND xã, các ngành, đoàn thể tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, cơ cấu mùa vụ; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa giống mới vào thử nghiệm; xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa theo hướng chuyên canh; phát triển các mô hình kinh tế hộ gia đình, khuyến khích phát triển chăn nuôi trang trại tập trung theo quy hoạch... Đảng ủy xã đã phân công các đồng chí đảng ủy viên hàng tháng dự sinh hoạt cùng chi bộ để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, từ đó kịp thời có những giải pháp trong chỉ đạo phát triển kinh tế.
Bên cạnh đó, Đảng bộ xã Quang Sơn cũng tập trung chỉ đạo thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn và đã đạt được những kết quả. Năm 2017, xã đã hoàn thiện 19/19 tiêu chí nông thôn mới. Hiện nay, trên địa bàn xã đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, giúp người dân nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo. Điển hình như mô hình trồng na trên núi đá ở các xóm La Giang, Trung Sơn; chăn nuôi theo mô hình trang trại, gia trại ở xóm Xuân Quang; mô hình trồng chè lai ở xóm Thống Nhất...
Đến xóm Trung Sơn tìm hiểu về mô hình trồng na ở đây chúng tôi được biết: Trung Sơn là xóm đồng bào dân tộc Mông, từ năm 2012, bà con trong xóm đã đưa cây na lên trồng trên những dải núi đá bao quanh xóm, tuy nhiên việc chăm sóc lúc đó chưa được người dân chú trọng nên hiệu quả kinh tế không cao. Từ năm 2016, khi Đề án Phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất và đời sống các xóm, bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào Mông sinh sống của tỉnh được triển khai, xóm Trung Sơn được tiếp nhận nguồn hỗ trợ giống cây, phân bón và được tập huấn khoa học kỹ thuật thì các hộ đã tập trung chăm sóc, phát triển loại cây trồng này.
Đến nay, toàn xóm có gần 20ha na, trong đó trên 10ha đã cho thu hoạch. Ngoài cây na dai, một số hộ còn bắt đầu đưa vào trồng thử nghiệm giống na thái để có nguồn hàng phong phú cung cấp cho thị trường. Từ mô hình trồng na, đồng bào dân tộc Mông ở Trung Sơn đã từng bước thoát nghèo. Cách đây 10 năm, tỷ lệ hộ nghèo ở xóm vẫn là 100% thì đến nay toàn xóm có chỉ còn 4 hộ nghèo trên tổng số 110 hộ.
Anh Dương Văn Hành, ở xóm Trung Sơn cho biết: Cây na trồng trên núi đá được bà con chăm sóc cẩn thận nên cho quả to, ngọt lắm. Đến mùa thu hoạch là có người đến tận xóm thu mua, giá na trung bình bán được từ 20-25 nghìn đồng/kg. Nhà mình trồng được 700 cây, trong đó gần 500 cây đã cho thu hoạch, vụ này thu được gần 4 tấn quả nên gia đình cũng có thêm nguồn thu nhập đáng kể.
So với năm 2015, tính đến hết năm 2020, thu nhập bình quân đầu người ở xã Quang Sơn đạt trên 35 triệu đồng/năm, tăng hơn 12 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 10,1% xuống còn 4,3%; hệ thống điện, đường giao thông, trường học, trạm y tế được đầu tư xây dựng, cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu sinh hoạt của nhân dân...
Ông Lê Xuân Thủy, Bí thư Đảng ủy xã Quang Sơn cho biết: Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục vận dụng linh hoạt, hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để tạo điều kiện cho kinh tế - xã hội địa phương phát triển; chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng tăng giá trị sản xuất cây chè, cây ăn quả, chăn nuôi và dịch vụ; nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững...