Đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp: “Cái bắt tay” mang lại nhiều lợi ích

10:05, 09/09/2021

Việc bắt tay hợp tác giữa cơ sở đào tạo nghề và doanh nghiệp đã mang lại lợi ích cho cả 2 bên. Bên đào tạo có cơ sở vật chất, thiết bị máy móc cho người học được thực hành nghề. Phía doanh nghiệp tuyển dụng được nhân lực có tay nghề vững, không mất thời gian đào tạo lại.

Theo số liệu tổng hợp của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội: Toàn tỉnh có gần 800.000 người từ 15 tuổi trở lên, chiếm hơn 60% tổng dân số, trong đó lực lượng lao động nông thôn gần 557.000 người, chiếm 71%. 5 năm gần đây, bình quân có hơn 20.000 người lao động được tạo việc làm mới tăng thêm/năm.

Theo xu hướng phát triển chung, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo năm sau luôn cao hơn năm trước, từ gần 44% năm 2010 lên hơn 58% năm 2015 và trên 70% hiện nay. Năm 2020, chỉ số đào tạo lao động thuộc Chỉ số PCI của tỉnh đứng thứ 7 toàn quốc.a

Ông Nguyễn Văn Kiên, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Để đáp ứng yêu cầu thị trường lao động, các cơ sở đào tạo nghề phải không ngừng cải tiến, đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng đào tạo. Những năm gần đây, tại các cơ sở đào tạo nghề, học viên có giờ thực hành nhiều hơn giờ lý thuyết. Nhiều đơn vị xếp thời gian biểu cho giờ thực hành chiếm 70% quỹ thời gian đào tạo. Bởi thế, khi tốt nghiệp ra trường, hầu hết học viên đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng.

Hiện, trên địa bàn tỉnh có 50 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, với tổng quy mô tuyển sinh trên 45.000 học viên/năm và đào tạo khoảng hơn 100 nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng: 5 năm gần đây, hầu hết cơ sở đào tạo nghề đều chú trọng việc nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng. Về cơ sở vật chất, các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp có sự phối hợp chặt chẽ, tạo cho học viên được tiếp cận với thiết bị máy móc mới, công nghệ tiên tiến, hiện đại. Do được thực hành thường xuyên nên đến kỳ học cuối, học viên đã làm được sản phẩm như những thợ lành nghề.

Đòi hỏi cuối cùng trên thương trường là sản phẩm có chất lượng. Ngoài hình thức, sản phẩm còn yêu cầu về độ bền, tính năng ứng dụng. Đó là một trong những nguyên nhân để cơ sở đào tạo và doanh nghiệp tìm đến nhau, cùng hợp tác phát triển.

Hiện đã có gần 200 doanh nghiệp trong, ngoài nước ký kết hợp tác gắn kết với các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh. Trong 2 năm gần đây, các doanh nghiệp gắn kết đã tiếp nhận gần 5.000 học viên đến thực hành nghề.

Cũng trong thời gian này, các cơ sở đạo tạo nghề của tỉnh đã thực hiện đào tạo hơn 4.300 lao động theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp; gần 4.000 lao động sau đào tạo được các doanh nghiệp tuyển dụng. Theo khảo sát của các trường nghề, hơn 90% học viên có việc làm ngay sau tốt nghiệp.

Cơ chế thị trường lao động đòi hỏi các cơ sở dạy nghề trang bị cho học viên những kiến thức, kỹ năng nghề cơ bản, đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng. Tạo cho học viên tự tin vào tay nghề, dám khởi nghiệp. Nhất là ở thời đại công nghiệp 4.0, người lao động không chỉ cần tinh thông lý thuyết mà phải giỏi thực hành.

Nhiều cơ sở đào tạo nghề chủ động hợp tác đào tạo nhân lực theo đề nghị của doanh nghiệp. Điển hình như Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật hợp tác đào tạo với Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên từ hơn 7 năm nay. Bình quân mỗi năm, Trường đào tạo, cung cấp từ 500 đến 600 người lao động cho Công ty.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Bình, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật: Trường có ký kết, hợp tác với 52 doanh nghiệp, trong đó 46 doanh nghiệp trong nước và 6 doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài.

Còn ông Trịnh Văn Tường, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Phú Lương cho biết: Với mục đích chuyển đổi cơ cấu lao động gắn với phát triển kinh tế, trong giai đoạn từ năm 2011 đến hết năm 2020, Trung tâm đã tổ chức được 61 lớp sơ cấp phi nông nghiệp cho hơn 1.800 học viên. Sau đào tạo, trên 90% học viên được các doanh nghiệp tuyển dụng vào làm việc.

Gắn kết với doanh nghiệp trong đào tạo nghề còn mở ra cơ hội mới cho cơ sở đào tạo. Minh chứng là Trường Cao đẳng Y tế Thái Nguyên, từ năm học 2020-2021, ngoài duy trì quy mô đạo tạo truyền thống, Trường hợp tác với Tập đoàn JALA Nhật Bản tuyển sinh đào tạo lớp điều dưỡng chất lượng cao. Sau tốt nghiệp, toàn bộ điều dưỡng viên được bố trí công việc tại các bệnh viện của Nhật Bản với mức thu nhập từ 40 đến 60 triệu đồng/người/tháng.

Chuyện gắn kết với doanh nghiệp trong đào tạo nghề, ông Nguyễn Đức Sinh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Việt Đức chia sẻ: Trường có quan hệ ổn định với trên 20 doanh nghiệp. Các doanh nghiệp luôn mở cửa cho học sinh, sinh viên của Trường đến thực tế môi trường sản xuất, kinh doanh. Nhiều công ty đã phối hợp với Nhà trường tổ chức cho học sinh, sinh viên gia công sản phẩm, qua đó các em được tiếp cận với công nghệ mới và rèn luyện tay nghề.

Việc gắn kết hợp tác giữa cơ sở đào tạo nghề và doanh nghiệp - cả 2 bên đều  nhìn thấy ngay lợi ích. Các cơ sở đào tạo nghề không thể đủ kinh phí đầu tư, thay thế thiết bị máy móc mới, công nghệ hiện đại phục vụ cho học viên thực hành. Nhờ vào doanh nghiệp, học viên được thực hành, được tiếp cận với môi trường sản xuất, dần hình thành tác phong công nghiệp và có kỹ năng giao tiếp tự tin hơn.

Còn doanh nghiệp sẽ không mất kinh phí đào tạo nghề cho lao động. Qua cơ sở đào tạo, doanh nghiệp lựa chọn, tuyển dụng được lao động phù hợp với nhu cầu của mình. Nhiều doanh nghiệp còn chủ động đến cơ sở đào tạo nghề để tìm nhân tài, và đầu tư kinh phí cho học viên được lựa chọn trong suốt thời gian theo học.