Nâng cao mức sống cho người có công

10:43, 13/09/2021

100% gia đình người có công với cách mạng (NCC) được lập hồ sơ theo dõi sức khỏe; 100% xã, phường, thị trấn làm tốt công tác NCC. Tuy nhiên, trên toàn tỉnh còn 194/130.000 gia đình có thành viên là NCC nghèo, chiếm hơn 0,1%.

Để đạt mục tiêu đến hết năm 2021, 100% gia đình có thành viên là NCC có mức sống bằng, hoặc cao hơn mức trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú, tỉnh phát động phong trào xã hội hóa công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, huy động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tham gia ủng hộ, nhận đỡ đầu, hỗ trợ nâng cao mức sống cho NCC.

Trong ngôi nhà mới, ông Phạm Ngọc Bình, xóm Hồng Văn Lương, xã Trung Lương (Định Hóa), không nén được xúc động: Gần 90 tuổi đời, nay tôi mới có được ngôi nhà ở chắc chắn.

Không khí trong nhà chợt chìm lặng, ai cũng nén giấu sự nghẹn lòng, sợ cất lời sẽ bật thành tiếng khóc. Mãi rồi ông Vũ Đức Quyết, Trưởng Phòng Bảo trợ xã hội (Sở Lao động - TBXH) cũng nói: Ông Bình là đối tượng NCC cao tuổi, bị khuyết tật nặng, không có sức lao động nên cuộc sống hết sức khó khăn, nhà dột, vách mục. Cán bộ, viên chức, người lao động của Sở đã đóng góp được hơn 26 triệu đồng để hỗ trợ thêm cho gia đình ông Bình làm lại nhà ở. Đây là 1 trong số các hộ gia đình có thành viên là NCC được các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhận giúp đỡ, hỗ trợ theo chỉ đạo của tỉnh.

Với gia đình NCC nghèo, số tiền này hết sức có ý nghĩa, và được ví như chất xúc tác để chính quyền và nhân dân địa phương tham gia ủng hộ. Đặc biệt là việc “đánh thức” các dòng họ, thân nhân NCC quan tâm, chia sẻ, chung vai gánh vác khó khăn, đồng thời khuyến khích NCC quyết tâm vươn lên phát triển kinh tế, xóa giảm khó nghèo, làm giàu chính đáng.

Tự hào là vùng đất có truyền thống làm tốt công tác chăm sóc NCC trên cả nước. Các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” của tỉnh không chỉ được triển khai vào các dịp lễ, tết và ngày 27-7 mà thường xuyên. Việc tri ân thẩm thấu vào huyết quản, tư duy mỗi người qua câu chuyện kể, lời ru của mẹ, trở thành một nét đẹp văn hóa trong cộng đồng xã hội.

Ông Vũ Văn Mão, Phó Giám đốc Sở Lao động - TBXH nói với chúng tôi đầy suy tư: Phải thừa nhận số hộ NCC còn nghèo là các trường hợp rất khó thoát nghèo. Bởi các lý do như cao tuổi; đau ốm thường xuyên; không có sức lao động; không có nguồn thu nhập ổn định... Giải pháp trước mắt là nâng cao mức sống cho NCC thông qua xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực ủng hộ, giúp đỡ NCC bằng tiền, hiện vật như các thiết bị, tiện nghi sinh hoạt trong gia đình.

Từ nuôi ong, thương binh Đỗ Văn Học ở xóm Đồng Tiến, xã Tân Thái (Đại Từ), có thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm.

Tôi chắc chắn Thái Nguyên là địa phương đầu tiên của cả nước vận động, huy động các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp chủ động đăng ký “đỡ đầu” hộ nghèo có thành viên là NCC.

Trên tinh thần tự nguyện, tự tìm địa chỉ và chủ động đăng ký hỗ trợ, giúp đỡ thông qua Sở Lao động - TBXH. Cuối tháng 8, cán bộ, viên chức, người lao động của Sở Văn hóa, Thể thao - Du lịch đã về xóm Cao Chùa, xã Mỹ Yên (Đại Từ), trao tặng gia đình ông Đặng Xuân Kỳ một số thiết bị, đồ dùng trong nhà, gồm 1 bộ bàn ghế, 1 ti vi, 1 tủ lạnh và tiền mặt với tổng trị giá hơn 26 triệu đồng.

Giấc mơ sẽ tiếp tục trở thành hiện thực đối với NCC. Bởi công tác chăm sóc NCC đã từng bước trở thành một phong trào sâu rộng trong nhân dân. Điển hình như việc tham gia đóng góp xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, 100% số xóm, tổ dân phố của tỉnh hoàn thành, nhiều địa phương thu vượt kế hoạch.

Năm 2021, Quỹ vận động được hơn 4 tỷ đồng, trong đó Quỹ cấp tỉnh hơn 300 triệu đồng,  Quỹ cấp huyện và cấp xã hơn 3,7 tỷ đồng. Nhân dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, hơn 48.000 suất quà được trao tặng cho NCC với tổng số tiền hơn 13,8 tỷ đồng, trong đó gần 21.000 suất quà của Chủ tịch nước, với tổng số tiền gần 6,5 tỷ đồng.

Hơn 20.000 NCC, thân nhân NCC được cơ quan chức năng thực hiện chế độ ưu đãi hằng tháng; 11 trường hợp NCC mới được công nhận, gồm 2 thương binh, 7 trường hợp người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và 2 cán bộ tiền khởi nghĩa; 3 trường hợp được hưởng chính sách phục vụ NCC. 10 hộ gia đình NCC ở huyện Đại Từ được giúp đỡ với tổng số tiền 500 triệu đồng do UBND thành phố Hà Nội hỗ trợ…

Trong những tháng đầu năm, toàn tình có 200 NCC được điều dưỡng tập trung tại Trung tâm Điều dưỡng NCC Thái Nguyên. Hơn 800 NCC được hưởng chế độ điều dưỡng tại nhà; 112 NCC được trang cấp dụng cụ chỉnh hình. 9 đại biểu NCC tiêu biểu vinh dự được tham dự buổi gặp mặt đại biểu NCC, thân nhân liệt sĩ năm 2021 tổ chức tại trụ sở Chính phủ.

Sau thời gian ngắn phát động, đến đầu tháng 9 đã có 101 NCC được các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhận hỗ trợ về thu nhập, đạt 52%; trong đó cấp tỉnh hỗ trợ 66 hộ; đề nghị trích Quỹ Đền ơn đáp nghĩa hỗ trợ 29 hộ; 6 trường hợp NCC về ở với con cháu…

Ông Nguyễn Văn Phúc, 88 tuổi, xóm Ngọc Lâm, xã Linh Sơn (T.P Thái Nguyên), chia sẻ: Năm nay ngoài những món quà vào các dịp lễ, tết, gia đình tôi còn nhận được sự quan tâm hỗ trợ thu nhập từ các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố Thái Nguyên với tổng số tiền 81,4 triệu đồng để đầu tư phát triển chăn nuôi.

Trước đó, Hội Nông dân xã Linh Sơn đã tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội giúp gia đình ông Phúc vay 50 triệu đồng. Cùng vốn hỗ trợ phát triển kinh tế, gia đình ông cũng như các hộ NCC khác được cán bộ, đảng viên và những người có kinh nghiệm làm giàu tại địa phương đến chia sẻ kinh nghiệm đầu tư sinh lời. Chính vì thế mà những năm gần đây, số hộ nghèo, cận nghèo có thành viên là NCC của tỉnh giảm nhanh, từ hơn 1.000 hộ năm 2017 xuống còn hơn 500 hộ hiện nay.

“Chiến dịch” về với hộ nghèo có thành viên là NCC đã tạo sự gắn kết giữa các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp với NCC. Trực tiếp giúp NCC nâng cao mức sống vật chất, tinh thần, dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ xã hội, thêm điều kiện vươn lên trong phát triển kinh tế, có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú.