Huyện Đồng Hỷ có nhiều xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, trong đó có cả những xã ATK. Xác định việc giải “bài toán” thoát nghèo cho người dân ở các xã nói trên vừa là yêu cầu, vừa là trách nhiệm, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ, nghiêm túc của cả hệ thống chính trị, do đó Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã xây dựng và thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 08 về Phát triển kinh tế-xã hội các xã đặc biệt khó khăn và xã ATK trên địa bàn, giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025.
Trong giai đoạn đầu thực hiện Nghị Quyết số 08, huyện Đồng Hỷ có 7 xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) và xã ATK gồm: Văn Lăng, Tân Long, Nam Hòa, Tân Lợi, Cây Thị, Hợp Tiến, Văn Hán.
Thời điểm đó, khó khăn lớn nhất ở những xã này là kết cấu hạ tầng hầu như chưa được đầu tư, địa hình chủ yếu là đồi núi; nhiều đồng bào dân tộc thiểu số; tỷ lệ hộ nghèo cao hơn so với mặt bằng chung của huyện, trong đó hộ nghèo là người dân tộc thiểu số chiếm trên 82% số hộ.
Tại Nghị quyết số 08, huyện Đồng Hỷ đề ra 4 nhiệm vụ chính là đẩy mạnh phát triển kinh tế nhanh và bền vững; phát triển văn hóa – xã hội; giữ vững an ninh chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội; xây dựng đội ngũ cán bộ, phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị cơ sở.
Để đưa Nghị quyết vào cuộc sống, ngay sau khi ban hành, Huyện ủy Đồng Hỷ đã chỉ đạo các chi, đảng bộ trực thuộc tổ chức quán triệt, triển khai đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân. UBND huyện và các xã ĐBKK, xã ATK xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể hóa các nội dung, nhiệm vụ. Đồng thời tổ chức kiểm tra việc triển khai, tổ chức thực hiện để kịp thời chỉ ra những tồn tại, hạn chế nếu có và đưa ra những giải pháp hiệu quả.
Nhằm thực hiện tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết đề ra, huyện Đồng Hỷ cũng như các xã đã xây dựng nhiều giải pháp đối với từng lĩnh vực cụ thể. Ví dụ như trong xây dựng kết cấu hạ tầng, huyện thực hiện việc lồng ghép các nguồn vốn từ Chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình 135, các đề án của tỉnh để hỗ trợ, đầu tư.
Hay như trong công tác giảm nghèo thì thực hiện tốt các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho người nghèo; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vào sản xuất kinh doanh nhằm tạo việc làm, thu hút lao động địa phương; tổ chức ngày hội việc làm, các phiên giao dịch việc làm lưu động, giúp cho người lao động được tư vấn, tiếp cận trực tiếp với các đơn vị tuyển dụng, đào tạo nghề...
Phần lớn đường giao thông ở xã Tân Long đã được bê tông hóa.
Vì vậy, qua 5 năm triển khai, công tác phát triển kinh tế-xã hội các xã đặc biệt khó khăn và xã ATK trên địa bàn huyện Đồng Hỷ đã đạt được những kết quả tích cực, các chỉ tiêu nghị quyết đều đạt và vượt kế hoạch đề ra như, giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 6,2%/năm...
Việc thực hiện Nghị quyết số 08 cũng góp phần quan trọng giúp các xã ĐBKK hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đến nay chỉ còn 2 xã Văn Lăng và Tân Long.
Có dịp đến các xã vốn thuộc diện ĐBKK ở Đồng Hỷ, chúng tôi càng cảm nhận rõ hơn những thay đổi tích cực của mỗi địa phương với đường giao thông đi lại thuận tiện, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt.
Ông Trần Văn Trường, người dân xóm Tân Sơn, xã Văn Lăng, nói: So với 5 năm trước thì diện mạo của xóm đã thay đổi nhiều, nhất là từ năm 2019 khi tuyến đường từ xóm Tân Thịnh (Văn Lăng) đi Thần Sa (Võ Nhai) được nâng cấp. Các hộ dân trong xóm đang tích cực chuyển đổi cây trồng, xây dựng các mô hình như trồng chè lai thay thế các giống chè cũ năng suất thấp, nuôi bò sinh sản...
Trong giai đoạn tiếp theo, huyện Đồng Hỷ tiếp tục huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế – xã hội tại các xã ĐBKK và ATK; tăng cường công tác quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư, hỗ trợ; tập trung chỉ đạo thực hiện các chương trình, dự án, đề án phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu nông nghiệp; nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác dân vận, nhất là ở các xóm bản có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống...